Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh Washington đang hành xử "một cách trẻ con". Theo ông, dù tuyên bố muốn đối thoại không kèm theo điều kiện tiên quyết nào, song Mỹ lại áp đặt trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran.
Cùng ngày, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng chỉ trích động thái trên của Mỹ, cho rằng việc Washington áp đặt trừng phạt Ngoại trưởng Javad Zarif là "bất hợp pháp và thiếu thận trọng".
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 1/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ Bắc Kinh phản đối Washington áp đặt trừng phạt đơn phương đối với Ngoại trưởng Zarif, đồng thời kêu gọi nước này thực thi các nỗ lực nhằm duy trì ổn định ở Trung Đông.
Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh đàm phán và đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, cũng như hy vọng những hành động của Washington sẽ không trái ngược với tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Iran mà không cần điều kiện tiên quyết.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran, đồng thời nhấn mạnh EU vẫn tiếp tục hợp tác với quan chức ngoại giao hàng đầu này của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Ông Carlos Martin Ruiz De Gordejuela, người phát ngôn của Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini khẳng định EU "sẽ tiếp tục hợp tác với ông Zarif trên cương vị là quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Iran, và xét tới tầm quan trọng của việc duy trì các kênh ngoại giao".
Trước đó một ngày, Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng Iran Javad Zarif giữa lúc căng thẳng giữa Washington và Tehran. Theo đó, bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu của ông Zarif tại Mỹ hoặc do các thực thể Mỹ nắm quyền kiểm soát sẽ bị đóng băng.
Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt hạn chế đi lại đối với quan chức này. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Zarif đã chỉ trích động thái trên của Washington, tuyên bố việc Mỹ áp đặt trừng phạt “không ảnh hưởng tới ông và gia đình của ông khi ông không có tài sản hay lợi ích nào ở bên ngoài Iran”.