Trước đó, hôm 11/3, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, phát biểu trước các nhà ngoại giao ở Geneva ngày12/3, ông Ghebreyesus nhấn mạnh quyết định gọi một dịch bệnh là đại dịch không có nghĩa các quốc gia buông xuôi, từ bỏ cuộc chiến nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. WHO khẳng định đây là một đại dịch có thể kiểm soát và kêu gọi mọi quốc gia cần tăng hơn nữa nỗ lực chống lại đại dịch này.
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều sự kiện văn hóa và thể thao trên toàn thế giới bị hủy. Lãnh đạo WHO kêu gọi các quốc gia cần phải vừa duy trì chiến lược ngăn chặn dịch bệnh lây lan, vừa đảm bảo cân bằng "một cách đúng đắn" giữa các mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân, tránh những gián đoạn về kin tế và xã hội.
Cũng trong phát biểu của mình, ông Ghebreyesus bày tỏ lo ngại sâu sắc khi một số quốc gia chưa đưa ra phản ứng và cam kết chính trị đúng với mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ dịch bệnh hiện nay. Ông nhấn mạnh quan điểm rằng các quốc gia nên chuyển trọng tâm từ kiểm soát dịch bệnh sang tập trung tìm cách giảm nhẹ các tác động của dịch bệnh là "sai lầm và nguy hiểm".
Lãnh đạo WHO nhấn mạnh ngăn ngừa dịch bệnh lây lan cần là trụ cột chính trong mọi kế hoạch ứng phó với dịch bệnh. Để bảo về tính mạng cho người dân, các quốc gia cần nỗ lực hạn chế lây nhiễm, phát hiện và cách ly những ca nghi nhiễm cũng như những người tiếp xúc gần với những ca này.
Theo ông, sẽ không thể chống được virus nếu không biết nó đang hiện diện ở đâu. Do đó, cần phải tăng cường tối đa công tác rà soát để tìm kiếm, cách ly, xét nghiệm và điều trị mọi trường hợp, để phá vỡ chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Ông cũng kêu gọi các quốc gia xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi nhiễm bệnh COVID-19 để hạn chế lây nhiễm. Theo người đứng đầu WHO, kể cả khi không thể ngăn chặn lây nhiễm thì những nỗ lực đó sẽ góp phần kiềm chế tốc độ lây nhiễm, giúp giảm tải cho các cơ sở chăm sóc y tế, bảo vệ các viện dưỡng lão và những khu vực quan trọng khác.
Ông kêu gọi các quốc gia chưa xuất hiện dịch phải chuẩn bị các cơ sở y tế sẵn sàng và hối thúc tất cả các quốc gia phát kiến và chia sẻ mọi cách thức phòng dịch mới và giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Ông cũng cho biết kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược của WHO đã nhận được cam kết ủng hộ hơn 440 triệu USD.
Kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2019, hiện dịch COVID-19 đã lây lan trên khoảng 118 quốc gia, khiến gần 130.000 người nhiễm và hơn 4.700 người tử vong. Ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác như Hàn Quốc, Iran và Italy đang chứng kiến dịch diễn biến mạnh. Theo WHO, tổng số các ca nhiễm bệnh tại 4 quốc gia này chiếm 90% toàn bộ các ca nhiễm được xác nhận trên toàn thế giới.