Chủ tịch hội đồng Elisabeth Tichy-Fisslberger thông báo tới các đại biểu các quốc gia rằng được sự chấp thuận của hội đồng, kỳ họp thứ 43 của Hội đồng Nhân quyền sẽ tạm ngừng làm việc từ ngày 13/3 cho tới khi có thông báo mới. Kỳ họp khai mạc từ ngày 24/2 và dự kiến diễn ra tới ngày 20/3 tại Geneva. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Geneva quyết định cấm mọi sự kiện hội họp từ 100 người trở nên để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Hiện dịch COVID-19 đang diễn biến nhanh tại châu Âu, trong đó, số ca nhiễm tại quốc gia tâm dịch Italy đã tăng vượt mức 12.400 ca. Báo Welt của Đức dẫn số liệu của Đại học John Hopkins ngày 12/3 cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã tăng lên 2.078 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 12/3 đã tăng lên 84 ca, cao hơn nhiều so với mức 47 ca của ngày 11/3. Số ca nhiễm virus tại quốc gia này cũng tăng lên mức 2.968 ca so với mức 2.140 ca một ngày trước đó. Quốc hội Tây Ban Nha đã kéo dài thời gian tạm nghỉ thêm 15 ngày để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus. Trước đó, Quốc hội nước này đã tạm hoãn làm việc một tuần từ hôm 10/3 sau khi một nghị sĩ cho biết có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Một bộ trưởng sau đó cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này.
Trong khi đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin tuyên bố quốc gia này sẽ cấm mọi sự kiện hội họp từ 500 người trở lên cho tới cuối tháng 5 để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi quốc gia này ghi nhận con số người nhiễm bệnh COVID-19 tăng mạnh thêm 50 ca lên mức 109 ca trong ngày. Bộ Ngoại giao nước này khuyến cáo công dân tránh đi du lịch tới bất kỳ đâu ở thời điểm hiện tại.
Ireland cũng tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học, trường đại học và khuyến cáo hủy các sự kiện hội họp quy mô lớn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar (Lê-ô Va-rát-ca) tuyên bố tất cả các trường học, trường đại học và cơ sở mầm non sẽ đóng cửa từ ngày 13/3. Hiện Ireland ghi nhận 43 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và một ca tử vong đầu tiên mới được xác nhận hôm 11/3. Ông Varadkar lo ngại số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia này sẽ tăng trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên toàn thế giới. Quốc gia này đã hủy các cuộc diễu binh thường niên dự kiến thu hút hàng trăm nghìn người tham gia do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga Roscomos và Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) đã quyết định hoãn kế hoạch đưa một đội nghiên cứu chung lên Sao Hỏa cho tới mùa Thu năm 2022 vì tình hình dịch bệnh diễn biến đáng quan ngại tại châu Âu. Thông báo của Roscomos nêu rõ giai đoạn cuối của nhiệm vụ ExoMars bị trì hoãn vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trước những diễn biến trên, sáng 12/3 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đình chỉ mọi sự đi lại tới các nước châu Âu, ngoại trừ Anh, trong vòng 30 ngày. Quyết định này vấp phải sự phản đối từ phía Liên minh châu Âu (EU). Ngày 12/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng tuyên bố EU phản đối quyết định của Mỹ đơn phương áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các nước châu Âu. EU không chấp nhận việc Mỹ đưa ra quyết định siết chặt lệnh cấm đi lại một cách đơn phương và không qua tham vấn. Theo tuyên bố, EU sẽ có các biện pháp "mạnh" để hạn chế sự lây lan chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.