Phát biểu về bình đẳng giới trên được Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde đưa ra trước Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3).
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, bà Christine Lagarde nhấn mạnh để có được sự bình đẳng giới thật sự, điều quan trọng là cần phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như kinh tế, văn hóa. Ngay cả trong lĩnh vực chính trị, dường như phụ nữ cũng thua thiết hơn nam giới. Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội châu Âu (EPRS) chỉ ra rằng ngay ở Nghị viện châu Âu, số đại biểu nữ chỉ chiếm 36,1% (tính đến tháng 2/2019). Tại châu Âu nói chung, chỉ có khoảng 30% nghị sĩ là phụ nữ và chỉ có 3 trên 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Thụy Điển, Phần Lan và Tây Ban Nha có số nghị sĩ nữ đạt 40%. Với xu hướng này, theo số liệu của Viện bình đẳng giới châu Âu, phải đến năm 2036, tại các Nghị viện quốc gia thành viên EU, tỷ lệ đại biểu là phụ nữ mới ngang bằng với nam giới.
Hãng thông tấn ANSA của Italy cho biết tình hình bạo lực với phụ nữ tại nước này vẫn rất đáng quan ngại khi khoảng 7 triệu phụ nữ là nạn nhân của bạo hành. Chỉ trong năm 2018, khoảng 100 phụ nữ Italy đã thiệt mạng do nạn bạo hành mà thủ phạm chủ yếu vẫn là chồng cũ, bạn trai… Những tội ác nghiêm trọng này đôi khi vẫn được biện hộ dưới những từ ngữ như “bạo lực do quá yêu”. Tình trạng bạo hành với phụ nữ còn kéo theo cả những hệ quả xấu đối với trẻ em trong gia đình, để lại những ám ảnh đối với những đứa trẻ nhiều năm sau này. Trong năm 2019, các cơ quan chức năng Italy sẽ áp dụng quy định được gọi là “luật Đỏ” để bảo vệ những phụ nữ tố cáo bạo hành; đồng thời phát động nhiều chiến dịch tuyên truyền, thông tin, kêu gọi nguồn lực để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ.