Tỉnh Tak của Thái Lan đóng cửa biên giới với Myanmar

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, các quan chức tỉnh Tak ở miền Bắc Thái Lan đã thông báo đóng cửa biên giới với Myanmar trong vòng 1 tuần - từ chiều 18/10 đến sáng 25/10 - đối với hàng hóa quá cảnh nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Lực lượng biên phòng Thái Lan kiểm tra thân nhiệt người dân tại trạm kiểm soát ở tỉnh Narathiwat, giáp giới với Malaysia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Các cuộc xét nghiệm trước đó tại huyện Mae Sot cho thấy có 3 lái xe người Myanmar và 5 cư dân sinh sống ở gần cộng đồng Madina nhiễm COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul ngày 18/10 đã tới Mae Sot và kêu gọi người dân địa phương không hoảng loạn. 

Ông Anutin khẳng định những biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bao gồm kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm, đang phát huy tác dụng và ngăn chặn hầu hết các ca nhiễm nhập cảnh. Tuy nhiên, ông Anutin cũng bày tỏ lo ngại rằng những vụ vượt biên trái phép vẫn có thể gây ra mối đe dọa, sau khi các nhà chức trách tuần tra biên giới hôm 18/10 bắt giữ 12 công dân Thái Lan vượt qua trạm kiểm soát khi họ đi từ Myawaddy (Myanmar) đến Mae Sot. Nhóm người này cho biết họ đang làm việc ở Myanmar, nhưng thuê một chiếc thuyền đưa họ qua sông đến Mae Sot từ Myawaddy do lo ngại về dịch bệnh bùng phát ở đó.

Trước đó, chính quyền huyện Mae Sot đã thông báo phong tỏa địa phương này từ ngày 17/10 để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, theo đó các trường học đóng cửa trong 7 ngày, các nghi lễ tôn giáo đình chỉ.

Các nhà chức trách Thái Lan cũng đang tăng cường giám sát dọc theo 542 km biên giới với Myanmar sau khi Thái Lan ngày 18/10 thông báo 7 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó có 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng giữa các công dân Myanmar ở Mae Sot; một trường hợp là một tài xế xe tải nhập cảnh từ Myanmar vào Thái Lan hôm 16/10; các trường hợp còn lại được ghi nhận trong khu cách ly.

Tính đến 11h30 ngày 19/10, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.691 ca mắc COVID-19, trong đó có 59 người đã tử vong.

* Nhà chức trách Panama ngày 18/10 thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm COVID-19 đối với du khách tại các sân bay chính của nước này. Quyết định trên được đưa ra gần một tuần sau khi quốc gia châu Mỹ này nối lại các chuyến bay quốc tế, sau 7 tháng tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Panama nối lại các chuyến bay quốc tế từ ngày 12/10 vừa qua. Theo bà Yelitza Campos, một cố vấn tại Jers Medical - đơn vị điều phối các xét nghiệm tại Panama, kể từ ngày 12/10 đến nay đã có khoảng 1.000 hành khách được xét nghiệm COVID-19. Một quan chức Panama cho biết trong số những người được xét nghiệm, 20 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ông Raffoul Arab - quan chức phụ trách sân bay quốc tế Tocumen ở Panama City cho biết chi phí cho mỗi xét nghiệm là 50 USD. Đến nay Panama đã ghi nhận tổng cộng khoảng 125.000 ca mắc COVID-19, trong đó 2.500 ca tử vong.

* Ba Lan đã xúc tiến xây dựng bệnh viện dã chiến đầu tiên ở nước này dành cho các bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện được dựng trong khuôn viên sân vận động quốc gia Ba Lan, dự kiến sẽ được hoàn tất trong vòng một tuần và sẽ cung cấp 500 giường bệnh. 

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Zakopane, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Theo hãng thông tấn Ba Lan PPA, trong những ngày tới, chính phủ nước này sẽ quyết định có xây dựng thêm các bệnh viện dã chiến tại các tỉnh thành hay không. Số liệu thống kê của Bộ Y tế Ba Lan ngày 18/10 cho thấy nước này đã có 175.766 người mắc COVID-19, trong đó có 3.573 ca tử vong. 

* Cũng trong ngày 18/10, Liban đã đưa thêm 57 ngôi làng ở nước này vào danh sách phong tỏa, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng cao.

Theo hãng thông tấn quốc gia Liban NNA, quyết định trên được chính phủ nước này đưa ra sau khi quốc gia Trung Đông này cùng ngày ghi nhận thêm 1.002 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại đây lên 62.286 trường hợp. Bên cạnh đó, Liban có thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi do căn bệnh này lên 520 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát ngày 21/2 vừa qua.

Bộ trưởng Y tế Hamad Hassan thông báo Liban sẽ có vaccine ngừa COVID-19 trước cuối năm nay nhờ COVAX - một sáng kiến quốc tế nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối loại vaccine này. Ông khẳng định "người dân Liban sẽ có được 20% số vaccine trong lô xuất xưởng đầu tiên", trong khi những phần còn lại sẽ được cung cấp theo từng đợt.

Tính đến ngày 15/10, trên toàn thế giới có tổng cộng 42 loại vaccine tiềm năng ngừa COVID-19. Trong số này, các vaccine từ Trung Quốc, Anh, Nga, Mỹ, Bỉ và Đức đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 156 loại vaccine tiềm năng khác hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng.

Ngọc Quang - Thanh Phương (TTXVN)
Không có lối tắt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
Không có lối tắt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Con số 40 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đến sớm hơn so với dự tính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN