Trong cuộc biểu tình do phe đối lập phát động, Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát Juan Guaido đã chính thức tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước với tư cách là “Tổng thống lâm thời” cho tới khi lập được ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức một cuộc bầu cử tự do.
Ngay lập tức, một loạt các nước ở khu vực như Mỹ, Canada, Colombia, Paraguay, Brazil, Chile, Argentina, Ecuador, Guatemala và Peru, cũng như Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã lên tiếng công nhận vai trò “Tổng thống lâm thời” tự phong của ông Guaido, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ về kinh tế và chính trị đối với phe đối lập nhằm thúc đẩy cái gọi là “sự trở lại của nền dân chủ” đối với Venezuela.
Trong khi đó, hàng trăm nghìn người ủng hộ chính phủ cánh tả Venezuela cũng đã xuống đường tuần hành, khẳng định quyết tâm bảo vệ tiến trình cách mạng mà quốc gia Nam Mỹ này đã theo đuổi trong suốt 2 thập kỷ qua.
Những người tham gia cuộc tuần hành cũng đã tiến về Dinh Miraflores, trụ sở chính phủ, để bày tỏ sự ủng hộ và bảo vệ Tổng thống Nicolas Maduro trước những âm mưu gây bất ổn trong các cuộc biểu tình của phe đối lập và có thể dẫn tới một cuộc bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Maduro đã cáo buộc Mỹ đang tìm cách dựng lên một chính phủ song song tại Venezuela, đồng thời tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington. Nhà lãnh đạo cánh tả này ra hạn trong thời gian 72 giờ tất cả các nhân viên ngoại giao và lãnh sự Mỹ tại Caracas phải rời khỏi quốc gia Nam Mỹ.
Cùng ngày, thẩm phán Juan José Mendoza, Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Tối cao Venezuela đã yêu cầu Viện kiểm sát nước này cần phải có những “biện pháp đối phó ngay lập tức” trước những hành động phi pháp của lãnh đạo Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Phát biểu trước báo giới, ông Mendoza cho rằng cơ quan kiểm sát phải mở cuộc điều tra và xác định trách nhiệm của các lãnh đạo Quốc hội trong các quyết định vi phạm nghiêm trọng hiến pháp, trong đó có việc người đứng đầu cơ quan lập pháp Juan Guaido “tự phong” là Tổng thống lâm thời, Quốc hội tự cho mình quyền hành pháp, ra quyết định bổ nhiệm ông Gustavo Tarre Briceño làm “đại sứ đặc biệt” của Venezuela tại Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS).
Thẩm phán Mendoza khẳng định, mọi hành động của Quốc hội cho đến nay đều vi phạm hiến pháp và đều không được công nhận bởi vì cơ quan này đã bị Tòa án Tối cao Venezuela tuyên bố vô hiệu từ năm 2016.
Trong khi đó, khi được hỏi về quyết định của Quốc hội bổ nhiệm một “đại sứ đặc biệt” đại diện cho Venezuela tại Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Chủ tịch Quốc hội lập hiến nước này Diosdado Cabello cảnh báo nếu phe đối lập có những hành động vượt quá giới hạn thì cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ có những biện pháp phù hợp.
Theo ông Cabello, việc Quốc hội do phe đối lập kiểm soát bổ nhiệm một cái gọi là “đại sứ đặc biệt” tại OAS nhằm mục đích tạo tiếng vang nhưng trên thực tế không có bất kỳ giá trị nào. Cơ quan chức năng Venezuela cũng đã mở một cuộc điều tra đối với tất cả những người có trách nhiệm trong vụ việc này.
Các cuộc biểu tình của phe đối lập cũng đã dẫn tới những vụ đụng độ khi các đối tượng quá khích chặn nhiều đường phố, ném đá vào lực lượng cảnh sát chống bạo động buộc cơ quan chức năng phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Nhiều đối tượng quá khích cũng đã bị bắt giữ vì tội gây rối trật tự công cộng và tấn công cảnh sát.
Trước những diễn biến căng thẳng leo thang, Tổng thống Maduro đã kêu gọi nhân dân Venezuela đoàn kết để bảo vệ quyền được sống trong hòa bình và ổn định trước những âm mưu phá hoại của các thế lực chống đối trong và ngoài nước.
Ông Maduro cũng nhấn mạnh những hành động của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát trong thời gian gần đây đã vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp và các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ có những biện pháp phù hợp để bảo vệ trật tự dân chủ và pháp luật nhà nước.