Ngày 22/3, khu vực ASEAN ghi nhận tình hình số ca mắc dịch COVID-19 tăng tại nhiều nước thành viên, đặc biệt là tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Cụ thể, tới 24h đêm 22/3, các nước ASEAN đã xác nhận có tổng cộng 3.509 trường hợp nhiễm chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2), trong đó có 495 ca mới.
Các nước khu vực cũng đã ghi nhận thêm 18 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 86. Tới lúc này, cũng đã có 392 bệnh nhân được chữa trị thành công và bình phục.
Tổng hợp số liệu dịch bệnh COVID-19 tại các nước thành viên ASEAN ngày 22/3:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca bệnh mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Malaysia |
1306 |
+123 |
10 |
+2 |
139 |
Thái Lan |
599 |
+188 |
1 |
0 |
44 |
Indonesia |
514 |
+64 |
48 |
+10 |
29 |
Singapore |
455 |
+23 |
2 |
0 |
144 |
Philippines |
380 |
+73 |
25 |
+6 |
15 |
Việt Nam |
113 |
+19 |
0 |
0 |
17 |
Brunei |
88 |
+5 |
0 |
0 |
2 |
Campuchia |
53 |
0 |
0 |
0 |
2 |
Timor-Leste |
1 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Myanmar |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Lào |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Cụ thể, Thái Lan trong ngày 22/3 đã ghi nhận thêm 188 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số các trường hợp lây nhiễm được ghi nhận ở nước này lên 599 bệnh nhân. Đây là ngày có số ca lây nhiễm được công bố cao nhất tại Thái Lan kể từ khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 1/2020. Ngoài một trường hợp tử vong, hiện có 7 bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng. Hiện nay, Thái Lan cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu dụng cụ xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện.
Trước tình hình dịch bệnh leo thang, nhà chức trách Thái Lan đã quyết định đóng cửa cây cầu hữu nghị Thái Lan-Lào số 3 bắc qua sông Mekong, nối tỉnh Nakhon Phanom ở Đông Bắc Thái Lan và tỉnh Khammouane của Lào, từ 22h00 ngày 22/3 để phòng chống dịch COVID-19. Sau khi lệnh đóng cửa có hiệu lực, người dân thuộc tất cả các quốc tịch sẽ không được phép đi qua biên giới, ngoại trừ các phương tiện chở hàng hóa. Trong trường hợp này, lái xe và nhân viên phải được sàng lọc COVID-19 nghiêm ngặt.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này thông báo ngày 22/3 đã phát hiện thêm 123 ca nhiễm virus SARS-Cov-2, cùng 2 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.306 ca và số người tử vong vì dịch bệnh lên 10 người.
Phát biểu tại họp báo thường ngày, ông Noor Hisham, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, cho biết hiện có 46 bệnh nhân đang trong phòng điều trị đặc biệt, trong đó 22 người phải dùng thiết bị hỗ trợ thở. Hai bệnh nhân mới tử vong gồm 1 bác sỹ 48 tuổi từng đi du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ và một người đàn ông 74 tuổi đã tham gia lễ hội truyền giáo trên.
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cùng ngày cho biết ông đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ông khẳng định mình sẽ tiếp tục tự cách ly đủ 14 ngày.
Chính phủ Malaysia đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa có giới hạn trên phạm vi toàn quốc, tiến hành đo thân nhiệt và diệt trùng tại các nhà thờ, triển khai quân đội để tuần tra trên đường phố và hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch.
Indonesia tới lúc này đang là quốc gia thành viên ASEAN có số ca tử vong vì dịch COVID-19 cao nhất. Ngày 22/3, Indonesia đã ghi nhận thêm 10 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng tại nước này lên 48 trường hợp. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đáng thứ ba khu vực về số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2, với 514 ca (64 ca mới trong ngày 22/3).
Tổng Tư lệnh Quân đội Indonesia (TNI), Đại tướng Hadi Tjahjanto, cho biết 109 bệnh viện của quân đội trên khắp đất nước đã sẵn sàng điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Các bệnh viện từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 và cấp 4; mỗi bệnh viện đều chuẩn bị phòng cách ly có thể tiếp nhận tối thiểu từ 10-30 bệnh nhân. Do vậy, mọi người dân ở tất cả các tỉnh của Indonesia có thể vào bệnh viện quân đội ngay lập tức nếu có các triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo ông Tjahjanto, không chỉ các bệnh viện quân đội, mà chính phủ cũng đang huy động các bệnh viện của cảnh sát, các bệnh viên của các doanh nghiệp nhà nước, các bệnh viện của chính quyền khu vực và các cơ sở cấp cứu ở đảo Galang, Batam, quần đảo Riau và Wisma Atay Kemayoran để tạo điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên khắp Indonesia.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Indonesia (IDI) Muhammad Faqih ngày 22/3 xác nhận 3 bác sĩ nước này đã tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, gồm 1 chuyên gia tai mũi họng (ENT), 1 bác sĩ thần kinh 34 tuổi ở Bekasi, Tây Java và 1 bác sĩ phẫu thuật 70 tuổi đến từ Bogor, Tây Java. Những bác sĩ này qua đời sau khi được điều trị tại các bệnh viện ở Jakarta.
Ngày 22/3, Bộ Y tế Singapore thông báo từ 23h59 ngày 23/3 (giờ địa phương) nước này đã áp lệnh cấm nhập cảnh hay quá cảnh Singapore đối với tất cả khách du lịch. Chỉ những người làm việc trong các lĩnh vực cung cấp các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và vận tải đã được cấp thẻ làm việc (EP) và người đi theo (DP) được phép trở lại Singapore, nhưng sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày.
Các biện pháp trên được đưa ra một ngày sau khi Singapore có hai bệnh nhân đầu tiên tử vong do SARS-CoV-2 trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên thế giới và các ca nhiễm virus từ bên ngoài đang tăng nhanh tại nước này. Thời gian áp đặt lệnh cấm này sẽ tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh tại châu Âu và Mỹ, những nơi hiện đang là tâm dịch trên thế giới, thời gian và số lượng người Singapore từ nước ngoài trở về và diễn biến dịch bệnh hằng ngày tại Singapore.
Bộ Y tế Singapore cho biết trong 3 ngày qua, khoảng 80% các ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ở nước này là từ bên ngoài, chủ yếu là công dân Singapore và những người có thẻ cư trú dài hạn từ nước ngoài trở về.
Tính đến hết ngày 22/3, Singapore đã có 455 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 2 trường hợp tử vong, 144 trường hợp đã được chữa khỏi và xuất viện và 14 trường hợp đang được điều trị tích cực.
Tính tới ngày 22/3, Lào và Myanmar là hay nước thành viên ASEAN chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào. Trong khi đó, Timor Leste chỉ có duy nhất một ca mắc bệnh.
Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á khẩn trương tăng cường các biện pháp quyết liệt nhằm phòng chống sự bùng phát của dịch COVID-19, tình hình kinh tế của một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới đang trở nên xấu hơn.
Thái Lan, nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai ở ASEAN, được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2020, do tác động của dịch COVID-19. Trong khi đó, Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) cũng đánh giá nền kinh tế “xứ sở chùa Vàng” sẽ rơi vào một đợt suy thoái.
Trong khi đó, theo bảng xếp hạng của Maybank Kim Eng Securities, Malaysia là nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất, bởi nước này có các chỉ số đòn bẩy tài chính ở mức cao về nợ tiêu dùng, nợ nước ngoài và nợ công. Điều tương tự cũng xảy ra với Thái Lan khi xét đến nợ tiêu dùng, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Ngoài ra, cả Indonesia và Philippines cũng sẽ phải ghi nhận thâm hụt kép đối với tài khoá và tài khoản vãng lai.