Ngày 20/3, thị trưởng thành phố thủ đô Jakarta, Indonesia, ông Anies Baswedan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 2 tuần tại thành phố này do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Phát biểu trước báo giới, Thị trưởng Baswedan cho biết sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, mọi hoạt động giải trí đều tạm ngừng từ ngày 23/3, giao thông vận tải cũng phải hạn chế. Ông hối thúc các doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức làm việc tại nhà để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp, tránh lây nhiễm virus.
Đến ngày 20/3, Indonesia ghi nhận 369 ca mắc COVID-19 và 32 trường hợp tử vong. Trong đó, Jakarta, thành phố 10 triệu dân, có 215 ca nhiễm bệnh và 18 bệnh nhân đã tử vong. Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ sử dụng “tất cả quyền lực nhà nước” nhằm giải quyết các vấn đề y tế và kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Ông Widodo cho biết giới chức Indonesia đã khởi động chương trình xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các khu vực đã có các trường hợp nhiễm bệnh. Các nhà hoạch định chính sách Indonesia cũng đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế khi đồng nội tệ rupiah rơi xuống mức đáy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Cùng ngày, cơ quan y tế tỉnh Nam Sulawesi của Indonesia đưa hàng nghìn tín đồ Hồi giáo dự lễ Ijtima Ulama (lễ đọc kinh Coran tập thể) năm 2020 khu vực châu Á tại huyện Gowatới các khu cách ly tại nhiều địa điểm. Tổng cộng 8.223 người đã được đưa đến các điểm cách ly.
Trong khi đó, ngày 20/3, Malaysia ghi nhận thêm 1 ca tử vong vì COVID và số người nhiễm bệnh đã vượt qua ngưỡng 1.000, lên mức 1030 ca, cao nhất ở Đông Nam Á. Trường hợp tử vong mới nhất là một người đàn ông 58 tuổi đã tham dự buổi lễ Hồi giáo lớn do giáo phái Tabligh tổ chức từ cuối tháng 2 tại một thánh đường ở ngoại ô Kuala Lumpur. Theo Reuters, trong số 130 ca nhiễm mới ngày 20/3, có 48 trường hợp liên quan đến lễ hội Hồi giáo này, sự kiện đã thu hút 16.000 người tham gia, bao gồm cả người Singapore, Brunei, Campuchia.
Tại Singapore, ngày 20/3, "quốc đảo Sư tử" đã ghi nhận thêm 40 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, chủ yếu các các ca lây nhiễm từ Anh. Đến nay, Singapore ghi nhận tổng cộng 385 ca nhiễm SARS-CoV-2 và chưa có ca tử vong. Singapore cũng đã đưa ra những biện pháp cách ly cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch này.
Bộ Y tế công bố quyết định hủy mọi sự kiện tập trung trên 250 người, những sự kiện ít người hơn phải đảm bảo khoảng cách ít nhất 1 mét giữa những người tham gia. Các doanh nghiệp cũng được khuyến nghị tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà và làm việc theo ca để giảm tiếp xúc giữa các nhân viên.
Trước đó, nhà chức trách Singapore cho biết nước này không có kế hoạch phong tỏa toàn quốc nhưng cũng không loại trừ biện pháp này.
Tại Thái Lan, trong ngày 20/3 đã có thêm 50 ca nhiễm mới nâng tổng số ca COVID-19 lên 322 người và 1 trường hợp tử vong. Cùng ngày, Bộ Nội vụ Thái Lan yêu cầu mỗi tỉnh có đường biên giới chỉ được duy trì duy nhất một cửa khẩu quốc tế và thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Các cửa khẩu với Malaysia đến nay đã đóng hoàn toàn sau khi Chính phủ Malaysia ra lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 2 tuần. Bộ trưởng Nội vụ Anupong Paojinda cho phép các tỉnh trưởng toàn quyền phong tỏa tỉnh bằng việc đóng cửa toàn bộ các cửa khẩu nếu nhận thấy tình hình dịch diễn biến xấu.
Trước đó, Thái Lan đã siết chặt các yêu cầu nhập cảnh với người nước ngoài, theo đó kể từ ngày 22/3 nước này đòi hỏi mỗi người nhập cảnh cần phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng tối đa 72 giờ trước khi khởi hành, cộng với bảo hiểm y tế toàn diện ít nhất 100.000 USD.
Tại Campuchia, trong ngày 20/3 ghi nhận thêm 10 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 47. Đáng chú ý nhiều bệnh nhân mới phát hiện nằm trong số những người Campuchia trở về sau khi tham dự lễ hội tôn giáo ở Malaysia. Trong số các ca nhiễm mới cũng có 11 người Malaysia, bao gồm 6 nhà truyền giáo đạo Hồi. Có tổng cộng 79 người Campuchia tham dự lễ hội Hồi giáo ở Kuala Lumpur và 23 người trong số họ đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Nhà chức trách đang tìm kiếm những người còn lại.
Ngày 20/3, Philippines xác nhận có thêm 13 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 230 người, trong đó 18 ca đã tử vong. Theo trang Rappler, Philippines đang gặp khó khăn với tình trạng thiếu nghiêm trọng các bộ xét nghiệm COVID-19. Bộ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho rằng đây là lý do tại sao phải mất một tuần hoặc lâu hơn mới có kết quả xét nghiệm. Hiện cả nước chỉ có 5 phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm mẫu COVID-19, mỗi phòng có thể xử lý 50-300 mẫu/ngày. Bộ Y tế Philippines cho biết, hiện có 506 người đang bị cách ly trong các cơ sở y tế trên toàn quốc và 6.321 người khác đang được theo dõi, cách ly tại nhà.
Cùng ngày 20/3, Brunei có thêm 5 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 78 trường hợp. Trong khi đó, Lào vẫn chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào. Mặc dù vậy, để phòng dịch, Chính phủ Lào đã ngừng cấp visa cho khách nước ngoài trong 30 ngày và cho toàn bộ học sinh các cấp nghỉ học.
Ngày 20/3, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca dương tính với COVID-19, như vậy đến hết ngày nước ta có 91 ca mắc bệnh, trong đó 17 ca đã hồi phục. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hầu hết đều trong tình trạng sức khoẻ ổn định, hai ca nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang được điều trị tích cực.