Mỹ tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 23.624.087 ca nhiễm và 394.035 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với hơn 10,5 triệu ca nhiễm và 151.787 ca tử vong, trong khi Brazil có số ca tử vong cao hơn là 206.009 trong tổng số 8.257.459 ca nhiễm.
Bắc Mỹ là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất (26.962.893 ca) trong khi châu Âu là khu vực ghi nhận tổng ca tử vong cao nhất (609.200). Châu Á đã có 21.766.491 ca nhiễm và 352.768 ca tử vong. Nam Mỹ đã có hơn 14,2 triệu ca nhiễm và 318.708 ca tử vong.
Ngày 14/1, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thông báo đã có 8 quốc gia ở châu Mỹ phát hiện trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh và 2 nước xác nhận các ca nhiễm biến thể được phát hiện tại Nam Phi. Các nước ghi nhận ca nhiễm biến thể tại Anh gồm Brazil, Canada, Chile, Ecuador, Jamaica, Mexico, Peru và Mỹ, trong khi Brazil và Canada là hai nước phát hiện sự xuất hiện của biến thể tại Nam Phi.
Các biến thể này có thể lây lan một cách dễ dàng hơn và có thể đe dọa tới khả năng phản ứng của hệ thống y tế. PAHO cũng cảnh báo sự gia tăng của số ca nhiễm mới ở khu vực châu Mỹ trong những tuần gần đây, đặc biệt là trong tuần trước với số ca nhiễm mới kỷ lục lên tới 2,5 triệu trường hợp. Hầu như tất cả các nước ở châu Mỹ đều ghi nhận tình trạng lây nhiễm gia tăng, trong đó nghiêm trọng nhất là Mỹ. Ngoài ra, vùng Nam Mỹ đã bước vào mùa hè cũng ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng, kể cả các nước như Argentina hay Chile vốn trước đó đã có thời gian ghi nhận xu hướng giảm rõ rệt.
Tại châu Á, Trung Quốc đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau 8 tháng, khiến hàng triệu người phải trở lại tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc ngày 14/1 đã nhất trí tìm cách nới lỏng một phần các biện pháp hạn chế đối với phòng tập thể dục, thể thao tư nhân và các cơ sở kinh doanh trong nhà nhằm khống chế sự lây lan của làn sóng lây nhiễm mới.
Cùng ngày, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Nishimura Yasutoshi - phụ trách việc ứng phó COVID-19 và ông Shigeru Omi, người đứng đầu tiểu ban phòng, chống đại dịch của Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp nghiêm ngặt hơn và dài hơn nếu tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm sút. Đề nghị trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi nước này nâng số tỉnh phải áp đặt tình trạng khẩn cấp lên 11 tỉnh, trong đó có Osaka, Aichi và Fukuoka.
Ngày 14/1, Indonesia và Malaysia đã ghi nhận số ca mắc mới cao nhất. Indonesia thông báo đã ghi nhận thêm 11.557 ca mắc mới và 295 ca tử vong trong 24 giờ qua. Con số này ở Malaysia là 3.337 ca, trong đó 7 ca nhập cảnh và 3.330 ca lây truyền trong nước. Cùng ngày, Philippines thông báo ghi nhận thêm 1.912 ca mắc và 40 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên 494.605 ca và 9.739 ca. Giới chức y tế Philippines đã đề nghị người dân tăng cường cảnh giác sau khi ngày 13/1, Philippines đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh. Trong 24 giờ qua, Thái Lan cũng ghi nhận 271 ca nhiễm mới, trong đó có 259 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại châu Âu, Nga là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 3.495.816 ca, trong khi Anh có số ca tử vong cao nhất là 84.767 ca. Các nước Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha đều đã ghi nhận hơn 2,1 triệu ca nhiễm. Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm gần 39.000 ca nhiễm mới, mức tăng mạnh nhất theo ngày kể từ đầu dịch. Bộ trưởng Chính sách lãnh thổ và dịch vụ dân sự Tây Ban Nha Carolina Darias nhận định các dữ liệu trên cho thấy quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ rất nghiêm trọng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết áp lực lên các bệnh viện ngày càng tăng. Theo Bộ trưởng Illa, Tây Ban Nha đã tiêm phòng hơn 581.000 liều của vaccine Pfizer cho người dân và chiến dịch này đang được tăng tốc. Cùng ngày, Anh ghi nhận thêm 1.564 ca tử vong và đây là lần đầu tiên số ca tử vong trong ngày tại Anh vượt mức 1.500 ca. Con số này đã nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh lên 84.767 ca.
Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa cũng thông báo áp đặt trở lại lệnh phong tỏa, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1, bao gồm các biện pháp siết chặt như đã từng thực thi hồi tháng 3 và tháng 4 năm ngoái. Cụ thể, các cửa hàng không thiết yếu, quán cà phê, nhà hàng phải đóng cửa, trừ trường học. Bên cạnh đó, người dân phải ở nhà và có thể ra đường để đi bỏ phiếu vòng đầu tiên trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 24/1 tới.
Ông Costa nhấn mạnh từ ngày 17/1 người dân có thể đi bỏ phiếu sớm. Tương tự, Chính phủ Thụy Sĩ cũng thông báo các biện pháp nghiêm ngặt mới nhằm tránh nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra. Na Uy cũng thông báo sẽ ban hành một số biện pháp hạn chế gắt gao hơn, theo đó mọi người trước khi nhập cảnh phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Bên cạnh đó, những người này cũng phải thực hiện thêm một xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ sau khi vào Na Uy. Những trường hợp vi phạm phải chịu mức phạt 20.000 kroner (tương đương 2.300 USD).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay đã có khoảng 28 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm chủng cho người dân trên thế giới, trong đó phần lớn ở những nước giàu có nhất. Cụ thể, khoảng 46 nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, trong đó 38 nước là những quốc gia có thu nhập cao. Có 5 loại vaccine hoặc các nền tảng nghiên cứu đã được ứng dụng. Khoảng 46 quốc gia đang triển khai chiến dịch tiêm chủng, nhưng trong số đó chỉ có một quốc gia là nước có thu nhập thấp. Có nhiều người muốn có và cần có vaccine nhưng không thể nhận được nếu chúng ta không bắt đầu chia sẻ theo cách tốt hơn".