Về số ca mắc COVID-19, Singapore vẫn là nước có số ca mắc cao nhất Đông Nam Á với 22.469 ca. Đứng sau là Indonesia với 13.654 ca và Philippines với 10.610 ca. Nhóm có số ca mắc ở mức trung bình trong ASEAN là Malaysia và Thái Lan. Trong khi đó, Bruinei, Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam nằm trong nhóm có số ca mắc COVID-19 thấp nhất khối (dưới 300 ca).
Về số ca tử vong, Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào vì COVID-19. Trong khi đó, Indonesia đã có 959 người chết, cao nhất trong số các nước ASEAN.
Indonesia có số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục
Ngày 9/5, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận 533 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 13.645 ca. Đây mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng 16 ca, lên 959 ca. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 2.607 người. Số ca nghi nhiễm trên cả nước là 29.690 ca. Nhà chức trách Indonesia kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ quy định ở nhà để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, khói mù do các vụ cháy rừng tại Indonesia tiềm ẩn nguy cơ gây khó khăn cho công tác dập dịch COVID-19 trong khi chính phủ nước này chưa có kế hoạch dự phòng cho các bệnh về hô hấp giữa lúc đại dịch vẫn đang hoành hành.
Người đứng đầu Cục Phòng ngừa và kiểm soát bệnh lây nhiễm thuộc Bộ Y tế Indonesia Wiendra Waworuntu cho biết các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp do khói mù từ các đám cháy gây ra tương tự như các triệu chứng bệnh COVID-19. Các ca mắc bệnh hô hấp do hai nguyên nhân này tăng cùng lúc sẽ làm gia tăng sức ép đối với cơ quan y tế Indonesia. Theo bà Waworuntu, nghiên cứu cho thấy có mối tương quan giữa tỷ lệ tử vong cao và mức độ ô nhiễm nặng tại cùng một khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Một số chuyên gia lo ngại tình trạng khói mù sẽ cản trở các nỗ lực ngăn ngừa đại dịch COVID-19. Các chuyên gia cảnh báo tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn do nguy cơ thiếu khẩu trang N95. Hiện chỉ có các nhân viên y tế có thể sử dụng loại khẩu trang này trong khi nhà chức trách yêu cầu người dân đeo khẩu trang y tế thông thường. Tuy nhiên, bà Waworuntu lưu ý khẩu trang N95 cũng rất cần thiết cho người dân để giảm tác hại của khói mù từ các đám cháy rừng. Chuyên gia này cảnh báo nguy cơ thiếu khẩu trang N95 vào các tháng 6, 7 và 8 khi mùa khô lên đến đỉnh điểm và Indonesia phải cạnh tranh với nhiều nước khác để đảm bảo nguồn cung loại khẩu trang này.
Hơn nữa, Chính phủ Indonesia chưa vạch ra kế hoạch dự phòng để giải quyết cả hai mối nguy dịch COVID-19 và các bệnh hô hấp do khói mù. Hiện đa số các nguồn lực y tế đang tập trung vào chống dịch COVID-19. Bà Waworuntu hối thúc nhà chức trách Indonesia vạch ra các chiến lược để ngăn thảm họa xảy ra.
Thái Lan thận trọng với nguy cơ số ca mắc bệnh tăng sau nới lỏng phong tỏa
Ủy ban Tư vấn đại dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo rằng quốc gia Đông Nam Á này phải sẵn sàng đương đầu với nguy cơ số các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh gia tăng trở lại nếu các biện pháp phong tỏa được nới lỏng thêm như dự kiến vào 17/5.
Thái Lan bắt đầu giai đoạn 1 của tiến trình nới lỏng phong tỏa từ ngày 3/5, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng Năm. Giai đoạn 2 của tiến trình gồm 4 giai đoạn này dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/5 nếu số ca mắc COVID-19 mới không tăng.
Truyền thông sở tại dẫn lời bác sĩ Charas Suwanwela, Chủ tịch ủy ban đặc biệt nói trên, nhận xét rằng chính phủ, giới kinh doanh và người dân phải sẵn sàng đối mặt với tình huống số ca mắc COVID-19 mới có thể tăng trở lại sau khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng, tiềm ẩn nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải. Theo bác sĩ Charas, Thái Lan đã thực hiện tương đối tốt công tác đối phó với đại dịch COVID-19, với tỷ lệ tử vong ở mức 1,8% so với những con số cao hơn nhiều ở châu Âu. Tuy nhiên, bất chấp thành tích này, ông Charas cảnh báo rằng Ủy ban Tư vấn đại dịch COVID-19 lo ngại về những tin tức về nguy cơ xuất hiện đợt lây nhiễm thứ hai ở các nước mới nới lỏng một số hạn chế.
Ủy ban này, gồm 9 học giả có uy tín do Thủ tướng Thái Lan thành lập, cho rằng khu vực tư nhân sẽ cần đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính phủ và đảm bảo giải quyết được gánh nặng đè lên hệ thống y tế bằng cách áp dụng các bước để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm nhiều hơn.
Ông Charas cho biết ủy ban cũng ước tính rằng sẽ phải mất thời gian lâu hơn, tới một năm hoặc một năm rưỡi, để Thái Lan hồi phục sau những tác động tiêu cực của đại dịch đối với mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội. Do đó, chính phủ sẽ cần áp dụng các biện pháp chuyên sâu để hồi phục những khu vực chủ chốt và thúc đẩy tăng trưởng.
Hiện Thái Lan vẫn duy trì được xu hướng tăng các ca COVID-19 theo ngày ở mức 1 con số, với 4 ca mới và thêm 1 trường hợp tử vong được ghi nhận ngày 9/5. Đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.004 bệnh nhân COVID-19 và đã chữa khỏi cho 2.787 bệnh nhân COVID-19, nhưng cũng có 56 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Bộ Nội vụ Thái Lan đã ra lệnh cho tất cả các tỉnh trưởng trong cả nước phải thành lập các Trung tâm Điều hành COVID-19 ở các cấp chính quyền khác nhau từ tỉnh tới tận xã, phường.
Lào ban hành quy định xuất, nhập cảnh tạm thời
Tại cuộc họp báo chiều 9/5, Bộ Y tế Lào cho biết nước này vẫn chỉ có 19 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ngày không có bệnh nhân mới lên 27 ngày liên tiếp, trong đó có 14 ca đã được chữa khỏi.
Liên quan tới đại dịch này, Bộ Ngoại giao Lào vừa ban hành hướng dẫn số 1342 về xuất-nhập cảnh Lào trong giai đoạn COVID-19. Văn bản nêu rõ do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục đóng các cửa khẩu đường bộ và hàng không, do vậy mọi cá nhân muốn xuất nhập cảnh Lào phải tuân thủ một số quy định và yêu cầu cụ thể.
Đối với những trường hợp muốn nhập cảnh Lào, các cá nhân phải làm đơn, ghi rõ thông tin thời gian, phương tiện, quốc gia cần quá cảnh, lý do cấp thiết cần nhập cảnh Lào và nộp lên Ủy ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Bộ Ngoại giao Lào. Trong trường hợp được chấp thuận nhập cảnh, các cá nhân liên quan phải làm thủ tục xin thị thực tại cơ quan ngoại giao của Lào ở quốc gia sở tại. Nếu thị thực đang còn thời hạn thì có thể tiến hành nhập cảnh vào Lào như bình thường. Bên cạnh đó, người muốn nhập cảnh vào Lào phải có giấy xác nhận xét nghiệm COVID-19 do các cơ quan y tế có thể xác minh chính thống cấp trong vòng không quá 72 giờ. Sau khi nhập cảnh, các cá nhân phải trải qua quy trình sàng lọc y tế và xét nghiệm, nếu có triệu chứng bất kỳ sẽ được đưa đi cách ly tại bệnh viện để theo dõi, nếu không sẽ phải thực hiện chế độ cách ly 14 ngày tại các điểm cách ly do nhà nước Lào quy định.
Đối với các trường hợp cá nhân muốn xuất cảnh mà có cơ quan ngoại giao tại Lào (Đại sứ quán, Lãnh sự quán), cần đăng ký nguyện vọng xuất cảnh và phải chấp hành các biện pháp, quy định của nước muốn nhập cảnh. Tiếp đó, cơ quan ngoại giao của quốc gia đó phải làm công văn đề nghị đến Bộ Ngoại giao Lào, bao gồm danh sách tên, số hộ chiếu, thời gian, cửa khẩu sẽ xuất cảnh, phương tiện sử dụng và các thông tin cần thiết để được xem xét và tạo điều kiện hỗ trợ.
Văn bản hướng dẫn có hiệu lực đến ngày 17/5 này cũng cho biết Chính phủ Lào cho phép công dân nước này xuất cảnh với điều kiện phải được quốc gia đích đến cho phép và cam kết chấp hành các quy định, luật pháp của quốc gia đó.
Do Lào và Việt Nam đều đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống sự lây lan của dịch COVID – 19, nhiều cán bộ, công nhân và chuyên gia Việt Nam đang công tác tại Lào hiện vẫn kẹt tại Việt Nam chưa thể sang Lào. Ở chiều ngược lại, rất đông lưu học sinh Lào về nước nghỉ từ dịp Tết cổ truyền của Việt Nam cũng đang rất sốt ruột nhưng chưa thể quay lại dù các trường học tại Việt Nam đã mở cửa trở lại.
Tình hình tại Philippines được cải thiện
Ngày 9/5, Philippines đã ghi nhận 147 ca nhiễm và 8 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 10.610 ca nhiễm và 704 ca tử vong. Khoảng 84% số ca nhiễm mới là ở thủ đô Manila. Tổng số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 1.842 người.
Bộ Y tế Philippines khẳng định các dấu hiệu hiện nay cho thấy xu hướng nhiễm mới đang chậm lại và các bệnh viện đã không còn bị quá tải. Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire khẳng định cuộc chiến chống COVID-19 vẫn chưa kết thúc, cho rằng người dân nên thận trọng khi lệnh phong tỏa được nới lỏng hoặc dỡ bỏ. Quan chức này kêu gọi người dân áp dụng các quy định vệ sinh như duy trì giãn cách xã hội, thường xuyên rửa tay để ngăn ngừa dịch bệnh.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque cho biết các biện pháp hạn chế tại một số thành phố như Manila, nơi có số ca nhiễm cao nhất cả nước, nhiều khả năng sẽ được nới lỏng vào ngày 15/5 tới. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chưa đưa ra quyết định về vấn đề này.
Trong khi đó, Cơ quan Hàng không dân dụng Philippines (CAAP) tuyên bố nước này sẽ cho phép các chuyến bay quốc tế đến sân bay quốc tế Ninoy Aquino (NAIA) tại thủ đô Manila bắt đầu từ ngày 11/5 tới.
Trong tuyên bố, CAAP nêu rõ kể từ thời điểm trên, các chuyến bay thương mại và chuyến bay thuê riêng quốc tế sẽ chỉ được phép hạ cánh tại NAIA vào những ngày nhất định. Hạn chế này sẽ kéo dài 1 tháng từ ngày 11/5-10/6 và chỉ áp dụng tại sân bay NAIA, trong khi những sân bay quốc tế khác sẽ có những hạn chế riêng. Cụ thể, các chuyến bay thuê quốc tế sẽ chỉ được phép hạ cánh vào ngày thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, sau khi được Bộ Ngoại giao và CAAP cho phép. Những chuyến bay thương mại quốc tế sẽ được phép hạ cánh vào những ngày khác trong tuần, song những chuyến bay này sẽ cần có sự chấp thuận của CAAP 48 giờ trước khi khởi hành.
Những hạn chế trên không áp dụng với các chuyến bay gặp tình huống khẩn cấp, chuyến bay chở hàng, thiết bị y tế, chuyến bay cấp cứu, quân sự, bảo dưỡng, chuyến bay chở hàng kết hợp chở khách ra nước ngoài.
Ngày 3/5 vừa qua, Philippines đã tạm thời đình chỉ các chuyến bay chở khách thương mại trong một tuần qua nước này, trong bối cảnh chính phủ đang đẩy nhanh việc xét nghiệm COVID-19 khi ngày càng có nhiều người Philippines trở về từ nước ngoài. Hạn chế này sẽ kết thúc vào ngày 10/5.
Malaysia ghi nhận thêm 54 ca mắc COVID-19
Bộ Y tế Malaysia ngày 9/5 thông báo nước này cùng ngày có 54 ca mắc bệnh COVID-19 và một ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở đây lần lượt lên thành 6.589 và 108.
Cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á có 65 bệnh nhân COVID-19 xuất viện, nâng tổng số ca hồi phục và xuất viện lên thành 4.929 (tương đương 74,8% tổng số ca mắc), trong khi có 18 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 6 người đang phải sử dụng máy trợ thở.
Singapore ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới
Cùng ngày, Bộ Y tế Singapore thông báo đã xác nhận thêm 753 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 22.460 ca.
Đa số các ca nhiễm mới là lao động nhập cư sống tại các khu nhà tập thể. Trong số này có 9 người là cư dân thường trú của Singapore.
Dù có ca mắc cao nhất Đông Nam Á nhưng tới nay, Singapore chỉ ghi nhận 20 trường hợp tử vong.