Theo Bloomberg, tại Singapore và Qatar, số người tử vong chiếm chưa tới 0,1% tổng số ca nhiễm virus.
Tại Singapore, nơi mà tổng số ca mắc COVID-19 đã tăng lên con số thuộc hàng cao nhất châu Á do dịch bùng phát trong khu nhà ở của người lao động nước ngoài, một cụ bà 102 tuổi đã khỏi bệnh và xuất viện cuối tuần vừa rồi.
Tới ngày 6/5, Singapore ghi nhận 20.198 ca mắc COVID-19 nhưng chỉ có 18 người tử vong. Tỷ lệ tử vong chỉ là 0,089%.
Tại Qatar, tổng số ca mắc là 17.142, trong đó mới có 12 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 0,07%.
Cả hai quốc gia này đều có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp so với dân số: chưa đầy 0,5%/100.000 người.
Theo các chuyên gia y tế, đặc điểm nhân khẩu học của bệnh nhân và năng lực hệ thống y tế là hai yếu tố quan trọng giúp tỷ lệ người bệnh sống sót cao trong đại dịch.
Tại những nước mà dịch bùng phát mạnh mẽ với số ca nhiễm virus trên 10.000, hệ thống y tế thường chịu áp lực. Tuy nhiên, điều đó lại không xảy ra ở Singapore và Qatar.
Có điều cần lưu ý là hai nước này thuộc nhóm nước giàu nhất thế giới, có nghĩa là họ có thể chi nhiều tiền mua bộ xét nghiệm và trang bị giường bệnh cần thiết.
Theo bà Raina MacIntyre, Giáo sư an ninh sinh học toàn cầu tại Đại học New South Wales (Australia), tỷ lệ tử vong so với ca nhiễm thấp là nhờ ba yếu tố: xét nghiệm, độ tuổi dân số và năng lực chăm sóc đặc biệt.
Bà nói: “Các nước xét nghiệm nhiều hơn và phát hiện nhiều ca bệnh nhẹ hơn sẽ có tỷ lệ tử vong thấp rõ rệt”. Còn nước nào có dân số già, quá tải năng lực chăm sóc đặc biệt, thiếu máy thở sẽ có tỷ lệ tử vong cao.
Mặc dù Singapore có dân số già hóa và độ tuổi trung bình cao hơn Qatar nhưng đa số ca bệnh đều là người lao động nước ngoài. Những người này thường trẻ tuổi và được kiểm tra sức khỏe trước khi được phép vào Singapore làm việc.
Tương tự, nhiều ca bệnh ở Trung Đông cũng thuộc lực lượng lao động nhập cư trẻ. Đa số dân số ở Qatar là người nước ngoài trẻ và cũng được kiểm tra sức khỏe trước khi vào Qatar và phải xuất cảnh khi xong công việc.