Trong 24 giờ qua, ASEAN có 2.437 ca mắc COVID-19 và 47 ca tử vong. Đa số ca mắc mới đều ở Indonesia (1.240 ca), Philippines (740 ca) và Singapore (451 ca). Ngoài ra, Thái Lan và Malaysia ghi nhận lần lượt 4 và 2 ca trong ngày 10/6.
Trong ngày 10/6, có ba nước ASEAN ghi nhận ca tử vong là Indonesia (36 ca), Philippines (10 ca) và Malaysia (1 ca). Nước có ca tử vong nhiều nhất khối tới nay là Indonesia với 1.959 ca.
Indonesia nỗ lực ngăn dịch bệnh tái bùng phát
Ngày 10/6, Indonesia ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước tới nay với 1.241 trường hợp. Đây là ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất trong vòng 24 giờ.
Tính tới nay, đã có tổng cộng 34.316 người mắc COVID-19 tại Indonesia, trong đó có 1.959 người tử vong, 12.129 người khỏi bệnh. Ít nhất 287.470 người đã được xét nghiệm.
Trong chuyến thăm, làm việc với Văn phòng Lực lượng đặc nhiệm chống đại dịch COVID-19 quốc gia tại Jakarta, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát tại quốc gia này. Tại buổi làm việc, Tổng thống Widodo khẳng định nhiệm vụ lớn của chính phủ là giảm thiểu dịch COVID-19 lây lan trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp. Một số khu vực có số trường hợp nhiễm mới đã giảm về mức 0, song có khu vực ghi nhận số ca mắc gia tăng.
Cũng theo Tổng thống Widodo, trong điệu kiện bình thường mới, mọi người phải thích nghi với tình hình dịch COVID-19 để khôi phục các hoạt động hàng ngày cho đến khi vaccine ngừa dịch bệnh này được điều chế và có thể được sử dụng hiệu quả cho tất cả người dân Indonesia. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc thích nghi đồng nghĩa người dân phải làm quen với việc tuân thủ các quy trình y tế, để đảm bảo không bị lây nhiễm.
Ngoài ra, Tổng thống Widodo cũng tuyên bố việc mở một khu vực sang giai đoạn bình thường mới giữa đại dịch phải trải qua các giai đoạn nghiêm ngặt. Lực lượng đặc nhiệm phải đảm bảo không có sự gia tăng trường hợp nhiễm mới và cần xây dựng các cảnh báo cho từng khu vực để người dân có ý thức khi đến những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Philippines có số ca mắc hàng ngày cao nhất trong một tuần qua
Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 740 ca mắc COVID-19 trong ngày 10/6. Đây là mức cao nhất trong ngày trong vòng một tuần qua. Như vậy, số ca mắc COVID-19 tại Philippines đã lên đến 23.732 người, trong đó có 1.027 người tử vong.
Theo kế hoạch, lực lượng đặc nhiệm ứng phó với COVID-19 của Philippines sẽ nhóm họp trong ngày 11/6 để quyết định việc nới lỏng thêm các biện pháp phong tỏa ở thủ đô Manila.
Malaysia mở lại trường học theo từng giai đoạn
Cũng trong ngày 10/6, Bộ Giáo dục Malaysia cho biết nước này sẽ mở cửa lại trường học theo từng giai đoạn từ ngày 24/6 tới. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này bước vào giai đoạn phục hồi sau 3 tháng phong tỏa nghiêm ngặt nhằm khống chế dịch bệnh.
Nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Nam Á này cũng đã bắt đầu dỡ bỏ hầu hết các quy định phòng chống COVID-19 trong ngày 10/6 sau khi chính phủ tuyên bố kiểm soát được tình hình. Tính đến nay, nước này ghi nhận 8.338 ca mắc COVID-19, trong đó có 118 trường hợp tử vong.
Singapore thử nghiệm lâm sàng trên người kháng thể điều trị COVID-19
Tuần tới, Singapore sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người kháng thể TY027 do công ty công nghệ sinh học Tychan có trụ sở tại Singapore sản xuất để điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
TY027 - kháng thể đơn dòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - sẽ được thử nghiệm trên 23 người tình nguyện khỏe mạnh. Loại kháng thể này sẽ làm chậm quá trình phát triển của mầm bệnh, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phục hồi cũng như có khả năng đem lại sự bảo vệ tạm thời chống lây nhiễm.
Giai đoạn 1 của quá trình thử nghiệm sẽ do Đơn vị y tế nghiên cứu SingHealth thực hiện và kéo dài khoảng 6 tuần. Quá trình thử nghiệm sẽ quyết định độ an toàn và tính hiệu quả của TY027. Nếu thử nghiệm thành công trong giai đoạn 1, công ty Tychan sẽ xin cấp phép cho loại kháng thể này được thử nghiệm trên quy mô lớn hơn.
Theo giáo sư Ooi Eng Eong tại Trường Y Duke-NUS, một trong những người sáng lập công ty Tychan, kháng thể TY027 có thể được sử dụng không chỉ để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 mà còn để phòng bệnh. Vì vậy, việc liệu có thể sử dụng kháng thể này để phòng ngừa cho nhiều nhóm đối tượng như các nhân viên y tế hoặc những người đi du lịch nước ngoài hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả thử nghiệm.
Các loại kháng thể đơn dòng là các protein của hệ miễn dịch có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm, được phát triển riêng cho việc điều trị SARS-CoV-2. Lợi thế của các loại kháng thể này là có thể được phát triển trong vài tháng và sản xuất hàng loạt.
Hiện chưa có thuốc điều trị hay vaccine phòng COVID-19. Một phương pháp là lấy những kháng thể từ các bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 khác. Phương pháp này cho thấy tính hiệu quả đối với các ca bệnh nặng. Tuy nhiên, số lượng kháng thể ở những bệnh nhân phục hồi rất hạn chế và việc sản xuất đủ số lượng kháng thể để điều trị là một thách thức.
Ngày 10/6, Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) Singapore cho biết đã chấp thuận cấp phép có điều kiện đối với thuốc kháng virus Remdesivir của hãng Gilead Sciences, qua đó cho phép các bác sỹ chỉ định sử dụng trong phác đồ điều trị một số bệnh nhân COVID-19 ở thể nặng.
Việc phê chuẩn của HSA diễn ra trong vòng 3 tuần sau khi Gilead nộp đơn đăng ký loại thuốc Remdesivir tại Singapore vào ngày 22/5. Những bệnh nhân có thể dùng thuốc Redemsivir bao gồm những người có mức bão hòa oxy trong máu từ 94% trở xuống, hoặc những người có thể cần cung cấp bổ sung khí oxy hoặc hỗ trợ hô hấp chuyên sâu hơn như máy hỗ trợ thở oxy màng ngoài cơ thể (ECMO).
Theo HSA, cho tới nay, Remdesivir là loại thuốc điều trị duy nhất đã cho thấy có tác dụng tích cực đối với bệnh nhân mắc COVID-19 trong một thử nghiệm lâm sàng vững chắc. Là một phần trong các điều kiện để được phê duyệt, hãng Gilead Sciences được yêu cầu tiến hành thu thập dữ liệu an toàn liên quan và giám sát việc sử dụng loại thuốc này.
Thái Lan xem xét thử nghiệm dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm
Chính phủ Thái Lan đang chuẩn bị các bước cho giai đoạn 4 nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau khi trong 16 ngày qua không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, ngoại trừ những trường hợp bị nhiễm là công dân từ nước ngoài trở về và đã được cánh ly.
Phó Tư lệnh Lục quân Nathapol Nakpanit, người đang kiêm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát COVID-19 của Chính phủ Thái Lan, cho biết ủy ban này đã lên kế hoạch dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ 23 giờ hôm trước tới 3 giờ sáng hôm sau trong 15 ngày để thử nghiệm, nhưng Sắc lệnh Về tình trạng khẩn cấp vẫn sẽ tiếp tục có hiệu lực.
Truyền thông sở tại dẫn lời Đại tướng Nathapol nói ngày 10/6 rằng người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường khi không có lệnh giới nghiêm, nhưng tình trạng khẩn cấp vẫn sẽ có hiệu lực để đề phòng trường hợp chính phủ cần có hành động nhanh chóng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Theo Đại tướng Nathapol, những bộ luật bình thường sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho những phản ứng mau lẹ và hiệu quả trước đại dịch này. Những phản ứng mà ông Nathapol đề cập tới bao gồm việc cách ly trong vòng 14 ngày đối với những người đến từ nước ngoài. Ngoài ra Sắc lệnh Về tình trạng khẩn cấp cũng ngăn cản việc các hãng hàng không kiện chính phủ vì lệnh cấm bay.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) kiêm Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát dịch bệnh, Đại tướng Somsak Roongsita, cho biết các sàn thi đấu quyền anh Thái (Muay Thai) có thể sẽ được mở lại trong giai đoạn 4 nới lỏng kinh doanh và những hoạt động khác. Tuy nhiên, tất cả những quyết định kiểm soát dịch bệnh sẽ được Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đưa ra.
Trong ngày 10/6, Thái Lan ghi nhận 4 ca COVID-19 trong số các công dân từ nước ngoài trở về, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này lên 3.125 bệnh nhân, trong đó có 58 trường hợp tử vong.
Trước thực tế số lượng các ca mới phát hiện trong nhóm công dân hồi hương nhưng không có triệu chứng đang tăng lên, Bộ Y tế Thái Lan đã gửi thư tới các bệnh viện trên toàn quốc chỉ thị xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả các bệnh nhân nhập viện.