Điều này cho thấy tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, phải hơn một năm thế giới mới ghi nhận ca nhiễm thứ 100 triệu, 7 tháng để tăng lên mốc 200 triệu ca, song chỉ cần nửa năm để tăng gấp đôi, lên 400 triệu.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong 7 ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu là 16,6 triệu. Con số này dù giảm 18% so với tuần trước đó, nhưng vẫn phản ánh thực tế đáng lo ngại khi mỗi ngày thế giới ghi nhận hơn 2,3 triệu ca mắc mới. Hơn 50% số ca mắc mới trên toàn cầu được báo cáo ở châu Âu, khu vực có 53 quốc gia theo phân cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhưng có đến 21 quốc gia vẫn đang trên đỉnh của đường cong dịch bệnh. Tại châu Á, một loạt nước như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Brunei, Campuchia... ghi nhận mức tăng số ca mắc mới ở 3 chữ số. Trong khi đó, số ca nhập viện tăng đột biến trên toàn cầu đã dẫn đến số bệnh nhân không qua khỏi COVID-19 trong tuần qua tăng thêm 73.596 ca (tăng 0,3% so với tuần trước). Nếu tính cả 5 tuần trở lại đây, số ca tử vong trên toàn cầu trong trung bình 7 ngày đã tăng tới 70%.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều chuyên gia y tế cho rằng số ca mắc mới tăng cao có thể là dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 sắp bước sang giai đoạn bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung. Trong khi đó, nhiều nước đang phát đi tín hiệu không còn đủ tiềm lực kinh tế hoặc không thể tiếp tục thực hiện các biện pháp đóng cửa chống dịch nghiêm ngặt do những tác động kinh tế nặng nề, trong khi dữ liệu thống kê của Our World in Data cho thấy 61,7% dân số thế giới hiện đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Các liệu pháp chữa trị COVID-19 đã cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị các ca bệnh nặng. Điều đó đã thúc đẩy thêm nhiều quốc gia công bố kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục kinh tế.
Tại châu Âu, Anh trở thành quốc gia tiếp theo - sau Đan Mạch, có kế hoạch dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 vào cuối tháng 2 này, gồm việc bỏ quy định tự cách ly đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính. Thụy Điển và Na Uy đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch, trong khi Italy và Tây Ban Nha không còn yêu cầu người dân đeo khẩu trang ngoài trời. Thụy Sĩ bỏ quy định làm việc tại nhà và truy vết tiếp xúc, đồng thời có thể sẽ ngừng sử dụng hộ chiếu vaccine vào tuần tới. Đức cũng đang xem xét sớm dỡ bỏ các hạn chế. Trong khi đó, các nước đã mở cửa với du khách nước ngoài như Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Na Uy… đang hướng tới việc nới lỏng hơn nữa quy định nhập cảnh, theo đó bỏ yêu cầu xét nghiệm sàng lọc tại điểm đến đối với những du khách đã tiêm vaccine. Việc các nước nới lỏng quy định nhâp cảnh với khách nước ngoài đã khiến lượng đặt vé máy bay tại châu Âu cho mùa Hè 2022 quay trở về mức trước đại dịch COVID-19. Theo nhà điều hành du lịch lớn nhất châu Âu, tính đến ngày 30/1 vừa qua, lượng đặt vé cho các chuyến bay vào mùa Hè là 3,5 triệu, tương đương 75% mức của năm 2019.
Tại châu Đại dương, Australia thông báo kế hoạch mở cửa trở lại biên giới từ ngày 21/2 đối với tất cả du khách đã tiêm chủng, đánh dấu sự kết thúc chính sách được gọi là “Pháo đài Australia” – tức là đóng cửa biên giới đối với cả du khách nước ngoài lẫn công dân. New Zealand từng áp dụng quy định nghiêm ngặt phòng chống dịch COVID-19, cũng đã công bố kế hoạch chào đón du khách quốc tế đã tiêm chủng kể từ tháng 7 tới, với điều kiện phải tự cách ly trong 10 ngày.
Tại châu Á, kể từ ngày 10/2, Philippines mở cửa trở lại với du khách nước ngoài sau gần 2 năm đóng cửa biên giới nhằm khống chế COVID-19. Hiện tại, để nhập cảnh Philippines, du khách chỉ cần xuất trình các giấy tờ như chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính. Trước đó, đảo Bali của Indonesia cũng đã mở cửa cho du khách quốc tế đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Dù vậy, du khách vẫn phải cách ly bắt buộc 5 ngày. Giới chức Malaysia đã đề nghị chính phủ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế sớm nhất là vào ngày 1/3 tới. Du khách có thể không phải cách ly, tương tự chính sách của Thái Lan và Singapore. Ấn Độ cũng nới lỏng quy định về nhập cảnh đối với du khách quốc tế, theo đó khách quốc tế đến nước này sẽ không phải cách ly bắt buộc tại nhà trong 7 ngày hoặc tiến hành xét nghiệm RT-PCR trong ngày thứ tám sau khi đến.
Việc thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay đã tạo cơ sở để Việt Nam đẩy nhanh lộ trình khôi phục hoạt động kinh tế, mở cửa lại ngành hàng không và du lịch. Hiện nay, Việt Nam đang thí điểm thực hiện đón khách du lịch quốc tế vào 7 địa phương (5 địa phương giai đoạn 1 và bổ sung thêm 2 địa phương ở giai đoạn 2). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất từ ngày 31/3/2022 mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và đưa khách đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu quốc tế. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là thời điểm thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế vì dự kiến đến tháng 3/2022 Việt Nam sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi 3 vaccine phòng chống COVID-19, đảm bảo miễn dịch cộng đồng.
Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh dịch tễ và y học nhiệt đới London (Anh), David Heymann, cho rằng những thay đổi về chính sách của các chính phủ là bằng chứng cho thấy các quốc gia đang chuyển sang chiến lược chống dịch bệnh COVID-19 tương tự như với bệnh cúm mùa. Cùng với việc nới lỏng hạn chế, hiện Italy đang hướng tới tiêm nhắc lại hằng năm vaccine ngừa COVID-19, trong khi Pháp cũng khuyến cáo tiêm phòng cúm song song với ngừa COVID-19. Theo ông, hiện vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng để đánh giá đại dịch COVID-19 đã kết thúc hay chưa, song có thể “cảm thấy điều này”.
Tuy nhiên, không ít ý kiến nhận định, với nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, các chính phủ khó có thể tuyên bố sẽ không còn cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới. Giáo sư dịch tễ học di truyền tại trường Đại học King’s College London (Anh) Tim Spector cho rằng: “Đây có thể là lần cuối cùng chúng ta áp đặt các quy định phòng chống dịch, nhưng điều này không có nghĩa là đại dịch đã kết thúc”. Chung quan điểm, Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học Edinburgh (Scotland) Mark Woolhouse cũng cho rằng chắc chắn sẽ có những biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Mới đây, Trưởng nhóm khoa học của WHO, bà Soumya Swaminathan, cũng cảnh báo thế giới chưa ở thời điểm đại dịch kết thúc do có thể sẽ có thêm biến thể của virus SARS-CoV-2.
Dù sao đi nữa, các nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 ở nhiều nước, đặc biệt là những tiến bộ trong việc bao phủ vaccine, đang tạo ra những tín hiệu tích cực của cuộc sống bình thường mới khi các nước từng bước khôi phục nền kinh tế, mở cửa du lịch... Điều quan trọng là các nước cần hài hòa chính sách mở cửa song song với phòng dịch COVID-19 và đẩy mạnh tiêm chủng để đảm bảo những thành quả đã đạt được.