Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Cambridge đã phát triển một phương pháp “tâm lý” cho phép độc giả tiếp cận trước với một lượng nhỏ thông tin sai lệch.
Trưởng nhóm nghiên cứu Tiến sĩ Sander van der Linden giải thích: “Thông tin sai lệch có thể bám dính, dễ dàng lây lan và sinh sôi như một loại virus. Ý tưởng cung cấp một 'mức nhận thức' trong não, giúp xây dựng khả năng kháng cự trước các thông tin sai lệch, để nếu như độc giả có bắt gặp loại tin đó sau này, thì họ cũng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn”.
Công trình nghiên cứu, được công bố trên tạp chí khoa học Global Challenges, đang được đưa vào thử nghiệm. Hơn 2.000 người dân Mỹ được tiếp cận với hai luồng tin về chủ đề Trái đất ấm lên. Các nhà nghiên cứu cho biết khi đưa ra hai luồng thông tin liên tiếp, sức ảnh hưởng của những thông tin xác thực đối với độc giả hoàn toàn bị lấn át bởi những thông tin sai lệch. Nhưng khi thông tin thực được kết hợp với các "tin vịt", dưới dạng cảnh báo, thì tin tức giả mạo sẽ ít ảnh hưởng đến người đọc hơn.
Trước đó, đã có một loạt thông tin giả về việc Giáo hoàng hỗ trợ ông Trump hay cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bán vũ khí cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Những thông tin này đã được hàng triệu người dùng Facebook đọc và lan truyền một các chóng mặt trong suốt quá trình diễn ra cuộc vận động tranh cử.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới này sau đó đã thông báo một tính năng mới giúp ngăn chặn các câu chuyện được thêu dệt và tung lên trang mạng của họ. Bên cạnh đó, các tập đoàn phần mềm lớn khác như Google và Twitter cũng phải đối mặt với sức ép giải quyết vấn nạn trên.