Theo hãng tin AP, một quan chức giấu tên tiết lộ chính quyền quân sự tại quốc gia này đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của khu vực và lo sợ các cuộc tấn công của Pháp khi họ từ chối phục chức cho tổng thống Bazoum bị lật đổ trước đó một tháng.
Theo nhà chức trách, cuộc gặp ngày 19/8 giữa chính quyền quân sự của Niger và một phái đoàn ECOWAS kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng tại quốc gia Tây Phi. Tuy nhiên, cuộc đàm phán này dường như không đạt được kết quả như mong đợi và không đặt ra các bước đi cụ thể tiếp theo. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính quyền do quân sự điều hành, Tướng Abdourahmane Tchiani, gặp phái đoàn sau khi từ chối những nỗ lực trước đó.
Cuộc đàm phán ngày 19/8 là nỗ lực ngoại giao cuối cùng của ECOWAS nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình. Tuần trước, khối này thông báo 11 trong số 15 quốc gia thành viên của khối đã đồng ý can thiệp quân sự nếu Tổng thống được bầu cử dân chủ Bazoum không được trả tự do và phục chức.
Ba quốc gia khác của khối dưới sự cai trị của quân đội sau các cuộc đảo chính, Guinea, Mali và Burkina Faso, không được tham gia cuộc hỏi ý kiến. Trước đó, Mali và Burkina Faso cảnh báo họ sẽ coi việc can thiệp vào Niger là một hành động chiến tranh.
Ngày 10/8, ECOWAS đã ra lệnh triển khai một "lực lượng dự phòng" để tiến vào Niger và khôi phục quy tắc hiến pháp. Không rõ liệu quân đội có can thiệp hay không và khi nào sẽ tiến hành can thiệp.
Theo vị quan chức, trong các cuộc đàm phán, Tướng Tchiani đã thúc đẩy dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và du lịch do ECOWAS áp đặt sau cuộc đảo chính, nói rằng người dân Niger đang phải chịu đựng.
Chính quyền quân sự cho biết họ đang chịu áp lực và có những lời lẽ hòa giải, xin lỗi vì sự thiếu tôn trọng trong quá khứ đối với khối ECOWAS. Tuy nhiên, Tướng Tchiani cũng bày tỏ sử kiên quyết trước quyết định phế truất Bazoum và khẳng định rõ ràng về việc cựu tổng thống sẽ không trở lại nắm quyền.
Tướng Tchiani cũng nhiều lần bày tỏ lo ngại Pháp - nước có khoảng 1.500 binh sĩở nước này và đã từng huấn luyện, cũng như tiến hành các hoạt động chung với quân đội Niger - đang tích cực lên kế hoạch tấn công.
Các chuyên gia của Sahel nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc đàm phán 19/8 không đạt được kết quả gì. Mỗi bên đang tìm cách thể hiện rằng họ sẵn sàng thảo luận, nhưng cơ hội đạt được thỏa thuận là rất mong manh vì lập trường của họ hoàn toàn khác nhau.
“ECOWAS và phần còn lại của cộng đồng quốc tế muốn khôi phục quyền lực của Tổng thống Bazoum, nhưng đây không phải chương trình nghị sự của chính quyền mới. Bước tiếp theo sẽ là một cuộc đối đầu quân sự. Điều chúng ta không biết là cuộc đối đầu này sẽ diễn ra khi nào, như thế nào và hậu quả ra sao”, Seidik Abba, một nhà nghiên cứu người Niger và chuyên gia về Sahel, đồng thời là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sahel trụ sở tại Paris, đánh giá.
Ngay sau cuộc đàm phán, trên sóng truyền hình nhà nước, Tướng Tchiani đã đưa ra một lộ trình chuyển tiếp cho đất nước trong vòng ba năm. Các chi tiết cho kế hoạch này sẽ được quyết định trong vòng 30 ngày, thông qua một cuộc đối thoại quốc gia sắp được khởi động.
“Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm ra giải pháp cho tất cả những thách thức mà chúng ta gặp phải và chúng ta sẽ làm việc cùng nhau để tìm cách thoát khỏi khủng hoảng, vì lợi ích của tất cả mọi người”, ông Tchiani nói.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Aneliese Bernard, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹchuyên về các vấn đề châu Phi và hiện là giám đốc của nhóm cố vấn rủi ro Cố vấn Ổn định Chiến lược, mốc thời gian ba năm đối với một quá trình chuyển tiếp là chưa từng có. “Những gì chúng ta đang thấy trong khu vực là sự xuất hiện xu hướng hướng tới sự cai trị của quân đội”, bà nhận định.