Thủ tướng Hy Lạp đệ trình Quốc hội thỏa thuận cứu trợ

Ngày 12/8, một ngày sau khi đạt thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba trị giá 85 tỷ euro (93 tỷ USD), Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đã thống nhất những chi tiết cuối cùng của bản thỏa thuận dài 29 trang.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát biểu tại một phiên họp Quốc hội ngày 23/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo Đại diện chính thức của Ủy ban châu Âu (EC) Annika Breidthardt, tất cả các chi tiết đều đã được làm sáng tỏ và cụ thể hóa, dù văn bản biên bản ghi nhớ giữa Athens và các chủ nợ đã được gửi cho các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào đêm 11/8.

Đại diện EC không thông báo về các chi tiết đó, song nguồn tin châu Âu của hãng Reuters cho biết, EC ấn định thời điểm thanh tra lần thứ nhất tình hình Athens thực hiện các cam kết vào tháng mười năm nay. Cũng theo nguồn tin, thỏa thuận cứu trợ lần này tập trung giải quyết những thiết sót trong mô hình kinh doanh của Hy Lạp, ngụ ý đến những cải cách cơ cấu kinh tế.

Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đệ trình dự luật liên quan tới thỏa thuận cứu trợ trên lên Quốc hội nước này xem xét. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp Zoe Constantopoulou, người có quan điểm phản đối chương trình cứu trợ, lại trì hoãn việc thảo luận thỏa thuận đến tận đêm 12/8, bất chấp khi đệ trình với Quốc hội, ông Tsipras đã kêu gọi cơ quan lập pháp nhanh chóng thảo luận để bỏ phiếu phê chuẩn tại phiên họp toàn thể ngày 13/8.

Sau đó, các bộ trưởng Eurozone sẽ có thể ký thỏa thuận tại cuộc họp ngày 14/8, mở đường giải ngân khoản đầu tiên khi thời hạn Athens phải thanh toán 3,2 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là vào ngày 20/8 tới.

Bản thỏa thuận ngày 11/8 được xây dựng dựa trên các dự báo nền kinh tế Hy Lạp sẽ suy giảm 2,3% trong năm này và 1,3% trong năm 2016, song sẽ đạt tăng trưởng 2,7% vào năm kế tiếp.

TTXVN/Tin Tức
Hy Lạp đối mặt khủng hoảng kép
Hy Lạp đối mặt khủng hoảng kép

Trong khi những sóng gió về tài chính dường như vẫn chưa thật sự qua đi thì Hy Lạp lại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nữa đến từ làn sóng người tị nạn và người di cư, khi nước này trở thành một "cửa ngõ" để dòng người từ Bắc Phi và Trung Đông tràn vào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN