Theo nhà lãnh đạo Đức, đại dịch COVID-19 sẽ có nhiều thay đổi vào mùa Thu và mùa Đông sắp tới khi người dân sẽ ở trong các không gian kín nhiều hơn và nhiều hoạt động sẽ dần được nối lại như trước đây. Điều này có nguy cơ sẽ khiến dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn, lây lan nhanh hơn và tạo ra những khó khăn, thay đổi “vĩnh viễn” buộc con người phải sống chung với virus lâu hơn cho tới khi có được một loại vaccine hữu hiệu. Vì vậy điều quan trọng, theo bà Merkel, là trong những tháng tới phải giữ được số ca nhiễm mới ở mức thấp.
Ngoài ra, để vừa đưa kinh tế phát triển trở lại, vừa duy trì gắn kết xã hội, chính phủ sẽ phải ưu tiên cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như trẻ em, người già, người nghèo, lao động thất nghiệp… Trước đó, bà Merkel và Thủ hiến các bang tại Đức đã đồng ý về một quy trình thống nhất cho việc kiểm soát đại dịch COVID-19 trên cơ sở được điều chỉnh theo khu vực.
Về việc ứng phó với khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, bà Merkel cho rằng Chính phủ Đức không phạm phải sai lầm lớn nào trong quản lý khủng hoảng và đạt được những kết quả khiến bà hài lòng. Tất nhiên, để ngăn ngừa virus lây lan thì những biện pháp hạn chế là không thể tránh khỏi dù ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Belarus, Thủ tướng Merkel cho biết Đức và Ba Lan có quan điểm tương đồng về việc Liên minh châu Âu (EU) cần có một đại diện chung cho Belarus. Bà Merkel không muốn Nga sẽ triển khai quân tới Belarus như tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin trước đó, đồng thời bày tỏ lo ngại về những hành động có thể ảnh hưởng tới quan hệ giữa Nga với Đức cũng như EU.
Đối với tranh chấp khí đốt và bất đồng về lãnh thổ quốc gia giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, bà Merkel một lần nữa nhấn mạnh hai bên cần tiến hành đàm phán để ngăn chặn leo thang tranh chấp. Theo bà, xung đột về phân chia quyền lợi kinh tế chỉ có thể được giải quyết khi các bên cùng ngồi lại với nhau.