Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Johnson tuyên bố sẽ thực hiện Brexit đúng hạn chót vào ngày 31/10 tới dù khả năng đạt được thỏa thuận "chia tay" với EU không cao trong khi quốc hội nước này đã thông qua một dự luật yêu cầu chính phủ trì hoãn Brexit 3 tháng nếu không đạt thỏa thuận với EU. Cũng theo The Times, các thẩm phán cấp cao của Anh đang chuẩn bị một thách thức pháp lý khẩn cấp nếu Thủ tướng Johnson không đề nghị EU trì hoãn Brexit.
Trong khi đó, tờ The Telegraph đưa tin Thủ tướng Johnson sẽ công bố kế hoạch Brexit cuối cùng của mình trước các lãnh đạo EU sớm nhất là trong ngày 1/10. Kế hoạch này được cho là sẽ dựa trên khả năng tạo ra một vùng kinh tế chung trên đảo Ireland, cho phép các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm được luân chuyển tự do giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) và CH Ireland, không cần lập các chốt kiểm tra tại biên giới.
Cho tới nay, vấn đề làm sao để tránh việc thiết lập đường biên giới hiện hữu trên đảo Ireland được cho là gây trở ngại lớn nhất khiến Anh và EU không thể tìm ra thỏa thuận được chấp nhận tại Anh. Thỏa thuận đã ký kết hồi cuối năm 2018 bị cơ quan lập pháp Anh bác bỏ trong cả 3 lần bỏ phiếu mà nguyên nhân lớn là do giải pháp "chốt chặn" yêu cầu Anh tuân theo các quy định thuế quan của EU cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại. Các nghị sĩ ủng hộ Brexit cho rằng điều khoản này là "cái bẫy" khiến Anh phụ thuộc vào EU mà không thể tách ra độc lập như mong muốn.
Dù Thủ tướng Johnson luôn yêu cầu loại bỏ điều khoản "chốt chặn", nhưng CH Ireland và các thành viên còn lại của EU vẫn không thay đổi quan điểm rằng đây là phương án tốt nhất và sẽ chỉ xem xét khi Anh đưa ra những phương án khác phù hợp, hiệu quả hơn. Cho tới nay, phía EU luôn cho rằng Anh chưa đưa ra được đề xuất nào "có giá trị", trong khi London liên tục kêu gọi Brussels cần linh hoạt hơn. Dự kiến trong tuần này, trong ngày 2 hoặc 3/10, Chính phủ Anh sẽ trình lên EU các phương án thay thế cho điều khoản "chốt chặn".
Theo đài truyền hình RTE của CH Ireland, Anh sẽ đề xuất thiết lập các "điểm thông quan" ở cả hai bên của đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland thời hậu Brexit, giúp tránh việc thiết lập đường biên giới hiện hữu. Chủ mục châu Âu của RTE Tony Connelly cho biết đã được xem các bản sao những tài liệu kỹ thuật mà London gửi cho Brussels cho thấy Anh muốn thiết lập các "điểm thông quan" (hay chính là điểm kiểm soát hải quan) ở các địa điểm cách biên giới khoảng 8 đến 16km về hai phía.
Tuy nhiên, phương án đơn giản là đẩy các điểm kiểm soát hải quan ra xa biên giới lâu nay đã bị Dublin bác bỏ. Ngay sau khi RTE đưa tin trên, Ngoại trưởng CH Ireland Simon Coveney đã nhanh chóng bác bỏ và nêu rõ đây là lựa chọn bị loại ngay từ đầu, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc Anh cần đưa ra đề xuất nghiêm túc nếu muốn hai bên đạt thỏa thuận Brexit trong tháng 10.