Trả lời phỏng vấn tờ Augsburger Allgemeine (Đức), ông Juncker khẳng định mình và ông Barnier đang tích cực phối hợp để đạt được thỏa thuận với Anh về việc rời Liên minh châu Âu (EU), cho rằng sẽ làm "thảm họa" với cả London và Brussels nếu Brexit diễn ra mà không theo một tiến trình có tổ chức. Ông Juncker nói: "Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier và tôi đang làm hết sức để đạt được một thỏa thuận. Nhưng nếu chúng tôi không thành công, trách nhiệm thuộc về phía Anh".
Theo kế hoạch, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/10. Các quan chức EU cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson dường như đạt được rất ít tiến bộ trong việc đàm phán một thỏa thuận Brexit mới thay thế cho thỏa thuận mà người tiền nhiệm Theresa May đạt được hồi tháng 11 năm ngoái và từng bị Quốc hội Anh bác bỏ tới 3 lần.
Ông Juncker cho biết các cuộc đàm phán về quan hệ thương mại trong tương lai giữa Anh và EU sẽ càng trở nên phức tạp nếu kịch bản Brexit không diễn ra theo trật tự. Ông nói: "Chúng tôi vẫn mong muốn và cần ký một thỏa thuận thương mại tự do, nhưng điều đó không xảy ra như một số người nghĩ. Những thỏa thuận thương mại mà chúng tôi đã ký trong nhiệm kỳ của tôi phải mất nhiều năm mới thực hiện được".
Hiện Thủ tướng Johnson đang thúc đẩy cam kết Brexit diễn ra đúng thời hạn ngày 31/10 tới. Điều khoản "chốt chặn" về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit.
Điều khoản này quy định sau Brexit, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan trong khi vùng Bắc Ireland duy trì quan hệ thương mại gần gũi hơn với EU để đảm bảo tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland, cũng như sự toàn vẹn của "Hiệp ước ngày thứ Sáu tốt lành" ký kết năm 1998 vốn mang lại sự ổn định ở vùng này sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Phe bài EU tại Anh kịch liệt phản đối vì cho rằng điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt vô thời hạn trong những quy định thuế quan của EU và khó tiến tới mục tiêu tự do về kinh tế.