Trong tuyên bố nhân chuyến thăm tới Tokyo, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss khẳng định các doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm rằng cả hai chính phủ đều sẵn sàng ủng hộ việc sớm mở vòng đàm phán thương mại song phương.
Để chuẩn bị cho việc đàm phán thỏa thuận tự do thương mại với Nhật Bản, Chính phủ Anh đã mở trang khảo sát ý kiến nhằm huy động những đóng góp từ cộng đồng về thỏa thuận này từ nay tới hết ngày 4/11.
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh dù Thủ tướng Anh Boris Johnson đang tìm cách thương lượng với Liên minh châu Âu (EU) để tránh nguy cơ một Brexit không thỏa thuận (Brexit cứng) vào ngày 31/10 tới. Các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản hoạt động tại Anh đều lo ngại những tác động khôn lường của Brexit cứng tới hoạt động của mình và Thủ tướng Shindo Abe cũng liên tục kêu gọi Anh tránh kịch bản này.
Trong chuyến công tác Nhật Bản, Bộ trưởng Truss gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Isshu Sugawara và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Yasutoshi Nishimura. Hai bên được cho là sẽ ký kết thư đảm bảo những loại giấy phép và chứng nhận kiểm duyệt kỹ thuật hiện được quy định trong Thỏa thuận Công nhận chung giữa EU và Nhật Bản, sẽ tiếp tục có hiệu lực thời kỳ hậu Brexit.
Hiện tại, Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Anh vì London luôn cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có hoạt động trao đổi thương mại trên toàn châu Âu. Vì vậy, việc Anh quyết định rời EU đã khiến các công ty Nhật Bản lo ngại và tìm cách chuyển hoạt động tới các quốc gia khác trong liên minh nếu Anh không còn được hưởng các chính sách miễn thuế thương mại với các quốc gia còn lại của EU.
Năm 2018, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 29,5 tỷ bảng Anh (36,7 tỷ USD). Gần 1.000 công ty Nhật Bản đang đặt trụ sở tại Anh và cung cấp hơn 150.000 việc làm cho người dân nước này.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura khẳng định Tokyo ủng hộ Anh tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong thời kỳ hậu Brexit.
CPTPP là hiệp định thương mại giữa 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu nỗ lực tái sinh hiệp định này sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017. Trong khi đó, để chuẩn bị cho thời kỳ hậu Brexit, Anh hiện đang gấp rút chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tự do thương mại với các đối tác trên toàn thế giới.