Thỏa thuận ngừng bắn Syria: Cần hơn nữa những nỗ lực

Dư luận thế giới tiếp tục đặt nhiều niềm tin vào thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, chính thức có hiệu lực từ ngày 27/2. Tuy nhiên, cơ hội hòa bình cho người dân Syria không chỉ phụ thuộc vào việc ngưng tiếng súng. Cần nhiều hơn nữa thiện chí của các cường quốc để gác lại bất đồng lợi ích, hướng tới mục tiêu chung.

Tia hy vọng

Sau những ngày đầu tiên thực thi thỏa thuận ngừng bắn một phần tại Syria, do Mỹ và Nga - hai nước đồng phụ trách “Nhóm quốc tế hỗ trợ cho Syria” (ISSG) - đề xuất, tình hình trên thực địa đã phần nào được cải thiện. Dù có những tố cáo vi phạm nhỏ lẻ của cả đôi bên, nhưng công bằng mà nói, lệnh ngừng bắn nói chung là đã được tôn trọng.

Người dân Syria được trở lại hoạt động thường nhật tại Damascus ngày 27/2 sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Ảnh: THX/TTXVN

Tiếng súng đã giảm bớt, đủ để cho phép các hoạt động viện trợ nhân đạo cho những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến sự được tiến hành. Những chuyến hàng cứu trợ của Liên hợp quốc (LHQ) đã bắt đầu được chuyển tới những khu vực bị bao vây và dự kiến hoạt động này sẽ được kéo dài để cứu trợ khoảng 154.000 người Syria đang khắc khoải từng ngày. LHQ cho biết đã sẵn sàng chuyển hàng cứu trợ cho khoảng 1,7 triệu người sống tại các khu vực khó tiếp cận trong quý I/2016 nếu lệnh ngừng bắn được thực thi hiệu quả.

Trước mắt, rõ ràng thỏa thuận “ngừng thù địch” trên đã mang lại một tia hy vọng. Khác với các thỏa thuận trước, văn bản này bao gồm các bước rõ ràng hơn và thực tế hơn có thể cứu sống người dân. Theo thỏa thuận, giao tranh tạm ngừng để hàng cứu trợ được phân phát cho dân thường, cũng như mở đường cho đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến đã khiến hơn 250.000 người thiệt mạng và 11 triệu người khác phải bỏ nhà đi lánh nạn.

Về lý thuyết, việc này là tích cực, nhưng một số điều khoản của thỏa thuận này có thể làm cho nó trở nên vô nghĩa trên thực tế. Giống các thỏa thuận trước đây, thỏa thuận lần này cho phép các chiến dịch tiếp diễn nhằm mục tiêu vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhóm Mặt trận al-Nursa, hai tổ chức bị Hội đồng Bảo an LHQ liệt vào các nhóm khủng bố.

Điều này vô hình chung sẽ tạo ra một “lỗ hổng” có thể khiến ngừng bắn không tồn tại trên thực tế. Sự phức tạp trên chiến trường Syria - nơi nhiều phần tử thánh chiến cực đoan vẫn thường trà trộn vào lực lượng nổi dậy ôn hòa - khiến nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả của lệnh ngừng bắn. Khó khăn càng gia tăng khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố lực lượng dân quân người Kurd tại Syria - một lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là phi pháp - nên nằm ngoài phạm vi của lệnh ngừng bắn. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc phá vỡ ngừng bắn ngay từ ngày đầu vì các cuộc tấn công vào thị trấn Tal Abyad do người Kurd chiếm giữ ở Đông Bắc Syria.

Phép thử quan hệ Nga - Mỹ

Tất cả các biến số đó khiến cho việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn này trở thành một “phép thử” quan hệ Nga - Mỹ, hai nước chính trong ISSG cũng là hai lực lượng chính trên chiến trường Syria. Về phía Nga, việc lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực giúp Tổng thống Vladimir Putin có cơ hội gia tăng ảnh hưởng hơn bao giờ hết kể từ khi chiến dịch ném bom bắt đầu hồi tháng 9/2015. Giao tranh tạm ngừng cũng là cơ hội để Nga tránh một cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là sau vụ nước này bắn rơi máy bay Nga đang chiến đấu chống IS tại Syria với cáo buộc vi phạm không phận.

Bằng việc lôi kéo Mỹ vào một cuộc đối thoại quân sự trực tiếp về vấn đề Syria, nhà lãnh đạo Nga cũng đã đạt được mục tiêu then chốt là giúp Nga trở thành một nhân tố quan trọng bên cạnh Mỹ. Có thể nói, thỏa thuận ngừng bắn hiện nay là ván cá cược nhiều lợi thế nhất của Nga ở thời điểm hiện tại và ông Putin chắc chắn sẽ làm mọi cách để duy trì thỏa thuận này, chủ yếu là bằng việc hạn chế chiến dịch không kích, để tránh gây đổ vỡ cho lệnh ngừng bắn mong manh này.

Về phần mình, Mỹ bày tỏ lo ngại về khả năng thành công của thỏa thuận, thậm chí đã chuẩn bị một phương án B (tất nhiên sẽ là giải pháp quân sự) trong trường hợp thỏa thuận đổ vỡ. Rõ ràng Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn Nga thắng thế tại Syria, nhưng cũng chưa chắc thắng lợi nếu tiếp tục đổ tiền của vào cuộc chiến này. Trớ trêu là chính sự phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và Nga - vốn đứng ở hai phía chiến tuyến trong cuộc xung đột tại Syria - được xem là yếu tố quyết định cho hòa bình tại “chảo lửa” Trung Đông này. Việc thực hiện kế hoạch hay bất kỳ sáng kiến nào nhằm đem lại hòa bình cho Syria đều cần phải có sự bàn thảo và nhất trí giữa Mỹ và Nga.

Để thực sự cứu người dân Syria

Mục đích lâu dài của thỏa thuận “ngừng thù địch” tạm thời hiện nay là hướng tới một lệnh ngừng bắn trên cả nước, tạo điều kiện tiến hành đàm phán tìm ra giải pháp hòa bình để chấm dứt xung đột. Lý tưởng nhất là ngừng bắn sẽ tạo cơ hội cho Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura và thủ lĩnh các nhóm nổi dậy thương lượng một thỏa thuận về nguyên tắc để tổ chức một cuộc đối thoại nữa giữa chính quyền và các nhóm nổi dậy.

Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn không thể đảm bảo rằng các nhóm nổi dậy được Saudi Arabia hỗ trợ sẽ nhất trí đàm phán với các quan chức chính quyền Syria trong khi Hezbollah vẫn tích cực hoạt động trên chiến trường. Thỏa thuận này cũng không thể đảm bảo lực lượng người Kurd sẽ có ghế trong bàn đàm phán, do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có thể dẫn tới sự sụp đổ của toàn bộ thỏa thuận vì người Kurd, vốn được xem như các đồng minh của Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Dù có duy trì được trong hai tuần như dự kiến, rõ ràng lệnh ngừng bắn này cũng không tạo đủ thời gian để các bên chuẩn bị nội dung cho một cuộc đối thoại chiến lược tại Syria. Vì vậy, theo các chuyên gia, cuối giai đoạn hai tuần thực thi thỏa thuận, không những lệnh ngừng bắn cần được kéo dài, mà Đặc phái viên LHQ cũng phải thuyết phục các bên tham gia đối thoại.

Dường như các nhóm nổi dậy sẽ không muốn thử thách khả năng của Nga thêm lần nữa, và đây có thể là cơ hội tốt nhất để lệnh ngừng bắn dẫn đến một thỏa thuận lâu dài hơn. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng yếu tố quan trọng nhất giúp mở lối thoát cho cuộc khủng hoảng dai dẳng này là chính các cường quốc phải gạt bỏ bất đồng về lợi ích, gia tăng ảnh hưởng để các bên tham chiến ở quốc gia này chấm dứt xung đột, nhằm hướng tới mục tiêu chung chống khủng bố.
Bạch Dương
Pháp, Anh hối thúc Syria, Nga tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn
Pháp, Anh hối thúc Syria, Nga tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn

Pháp và Anh đã kêu gọi Chính phủ Syria và đồng minh Nga chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng phiến quân được Phương Tây hậu thuẫn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN