Tuần hành phản đối việc sa thải các giáo viên ở Diyarbakir (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 29/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo sắc lệnh được công bố ngày 29/4, trong số 3.974 người bị sa thải có 1.127 nhân viên thuộc Bộ Tư pháp, 484 học giả và 201 nhân viên Bộ các vấn đề tôn giáo. Ngoài ra, hơn 1.000 người làm việc cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong danh sách thanh lọc này.
Chưa dừng lại ở đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng cửa 18 tổ chức, 14 hiệp hội và 13 tổ chức y tế có liên quan tới giáo sĩ Fethullah Gulen, nhân vật đang sống lưu vong tại Mỹ bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.
Trước đó, ngày 26/4, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 1.000 người và đình chỉ công việc của hơn 9.100 cảnh sát trong một hàng loạt chiến dịch diễn ra trên cả nước nhằm chống lại mạng lưới của giáo sĩ Fethullah Gulen.
Trong một sắc lệnh khác được công bố cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cấm các chương trình hẹn hò chiếu trên truyền hình, vốn đã được chính phủ báo trước từ nhiều tháng qua. Hồi tháng 3, Phó Thủ tướng Numan Kurtulmus cho rằng các chương trình hẹn hò này là không phù hợp với phong tục và văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, ngày 17/4, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng, bắt đầu từ ngày 19/4. Quyết định trên được đưa ra dựa trên đề nghị của Hội đồng An ninh quốc gia (MGK). Đây là lần thứ 3 Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài tình trạng khẩn cấp, được ban bố vài ngày sau cuộc đảo chính bất thành.
Tình trạng này cho phép Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể trực tiếp áp đặt các đạo luật mới mà không cần thông qua Quốc hội. Kể từ đó, trên 47.000 người đã bị bắt giữ do bị tình nghi có liên quan tới âm mưu đảo chính, trong khi hàng chục nghìn người làm việc trong lĩnh vực công bị sa thải hoặc bị đình chỉ công việc.