Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong bài phân tích trên báo Lidove Noviny (Séc) nhà phân tích chính trị Roman Joch nhận định rằng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã sử dụng cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp gần đây để tách đất nước khỏi di sản của cố Tổng thống Kemal Ataturk, “cha đẻ” của nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ không còn là đồng minh đáng tin cậy của các nước phương Tây.
Bài báo viết: "Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7/2016, Tổng thống Erdogan đã tập trung hầu hết quyền lực vào tay mình và cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp không có tác dụng nhiều đối với tham vọng này. Thực chất, việc tổ chức trưng cầu ý dân của ông Erdogan là nhằm đạt được quyền miễn trừ trước pháp luật đối với tất cả các hành động trước đó cũng như các kế hoạch mà ông này sẽ triển khai sắp tới. Đồng thời, việc sửa đổi Hiến pháp cũng nhằm tạo điều kiện cho người kế nhiệm tiếp tục các kế hoạch mà ông Erdogan không đủ thời gian để hoàn thành. Hiến pháp mới sẽ thay đổi thể chế ở Thổ Nhĩ Kỳ từ cộng hòa nghị viện sang cộng hòa tổng thống. Tuy nhiên, hệ thống này sẽ không có sự cân bằng quyền lực giữa văn phòng tổng thống với các cơ quan hành pháp và lập pháp như các thể chế ở Mỹ, Pháp. Có khả năng thể chế mới ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tương đồng với thể chế ở Nga. Việc tổ chức trưng cầu ý dân đã hợp pháp hóa tình trạng thiết quân luật hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan – lên nắm quyền từ năm 2012, cũng có tham vọng giống như Osama bin Laden nhưng cách thức và phương pháp đạt mục tiêu thận trọng hơn. Tại khu vực Trung Đông vị trí của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ hoán đổi cho nhau. Iran với giới trẻ có xu hướng thân phương Tây sẽ đem lại hy vọng lớn cho khu vực, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ trở thành cơn ác mộng. Sau cuộc trưng cầu ý dân Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn là nước đồng minh Hồi giáo thế tục tin cậy của các nước phương Tây nữa”.
Còn trên tờ Hospodarske Noviny nhà phân tích chính trị Teodor Marjanovic viết: "Ông Erdogan đang áp đặt quyền lực của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng phương pháp độc tài, trong đó có việc tổ chức trưng cầu ý dân. Việc tổ chức trưng cầu ý dân chỉ là động thái nhằm thể hiện cho dư luận thấy việc tập trung quyền lực vào ông Erdogan là nguyện vọng của người dân nước này. Sau cuộc trưng cầu ý dân không ai có thể ngăn cản ông Erdogan. Vấn đề hiện nay chỉ còn là cách thức ông Erdogan sẽ xây dựng thể chế của mình và mức độ chống phương Tây trong chính sách ngoại giao của ông này. Tổng thống Erdogan đã đạt được gần như mọi thứ, ngoại trừ một vấn đề đó là thắng lợi về mặt quân sự, trong đó có liên quan đến việc mở rộng lãnh thổ. Đây là điều mà Tổng thống Nga Putin đã làm được ở bán đảo Crimea. Tình hình Syria hiện nay đang đem lại cơ hội cho Tổng thống Erdogan trong việc hiện thực hóa mục tiêu này.
NATO, trụ cột đảm bảo an ninh châu Âu, hiện nay đang phải đối mặt với ba thách thức lớn: chính sách khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump – người rằng NATO đã “lỗi thời”, sự lưỡng lự của các nước thành viên trong việc thực hiện cam kết đóng góp về tài chính và chính quyền của Tổng thống Erdogan, gần đây đang đàm phán với Nga về việc mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 bất chấp cảnh báo từ các lãnh đạo của NATO.
Trên báo Pravo chuyên gia Jan Keller nhận xét: “Diễn biến gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp làm rõ đâu mới là các giá trị cơ bản ở Séc. Tôn trọng tự do cá nhân và quyền bày tỏ chính kiến chắc chắn không nằm trong số này bởi nếu không, chính phủ Séc đã không thể bỏ qua việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ truy tố và bỏ tù các nhà báo, giảng viên đại học, nhân viên dân sự thời gian qua. Đó cũng không phải là sự tôn trọng quyền sống của con người hay quyền tự quyết của dân tộc xuất phát từ quan điểm của chính phủ Séc đối với vấn đề người Kurd”.