Giải mã việc Thổ Nhĩ Kỳ "chia tay" Mỹ và "ngả sang" Nga

Sự xích lại gần nhau Nga - Thổ Nhĩ Kỳ dự báo về sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Moskva và Ankara ở Trung Đông cũng như sự đối đầu ngày càng tăng của họ nhằm vào Mỹ.

Mỹ đã không được mời tham dự cuộc họp được tổ chức ngày 20/12 vừa qua ở Moskva giữa các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Và đây không phải là lần đầu tiên Washington bị "bỏ rơi" trong lạnh nhạt.

Mỹ cũng đã không tham gia những cuộc đàm phán giữa các quan chức Nga và các phe phái phiến quân Syria do phía Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức ở Ankara trước đó đầu tháng này. Những cuộc đàm phán trên cuối cùng đã dẫn đến một lệnh ngừng bắn mong manh và thỏa thuận sơ tán ở thành phố Aleppo lớn nhất Syria, nơi mà cuộc giao tranh đã bùng phát trong những tuần gần đây.

Tổng thống Nga Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Reuters

Mặc dù hai nước ở hai phía đối lập trong cuộc xung đột Syria - với Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lực lượng đối lập và Nga ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Assad - các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Nga được cho là đã ký một đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột, có tên là "Tuyên bố Moskva" trong cuộc gặp giữa họ ở thủ đô của Nga ngày 20/12.

Liên quan đến vấn đề này, Aaron Stein, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và là học giả cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương bình luận: "Thổ Nhĩ Kỳ đang ngả sang Nga. Điều này đánh dấu một điểm mới trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ. 'Ông Assad phải ra đi' không còn là chính sách của Ankara".

Sự xích lại gần nhau giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - vốn diễn ra kể từ khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan xin lỗi người đồng cấp Nga Vladimir Putin liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Nga hồi tháng 11/2015 - dường như được củng cố sau vụ ám sát Đại sứ Nga Andrey Karlov tại Ankara hôm 19/12 vừa qua.

Sau vụ ám sát, các quan chức của cả hai bên đều tuyên bố quyết tâm không để mối quan hệ mới được hàn gắn của họ "đi trệch đường ray" vì sự cố. Cả ông Erdogan và ông Putin đều nói rằng vụ ám sát chỉ làm tăng quyết tâm chung của họ trong việc chống chủ nghĩa khủng bố.

Ngoài ra, các quan chức và nghị sĩ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã ám chỉ việc Mỹ có thể đóng một vai trò trong vụ ám sát Đại sứ Karlov, điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ ngay sau đó.

Các nhà phân tích cho rằng những tuyên bố này vừa giải thích và dự báo về sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Moskva và Ankara ở Trung Đông cũng như sự đối đầu ngày càng tăng của họ với Mỹ.

Về điểm này, Giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận Đông Washington Soner Cagaptay bình luận: "Nga gần như có tất cả mọi thứ mà nước này muốn từ Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, trong đó có việc Ankara đồng ý để Aleppo thất thủ".

Rõ ràng, việc Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào năng lượng và du lịch Nga, cũng như những căng thẳng gần đây giữa Ankara và phương Tây - liên quan đến những cáo buộc của Mỹ và châu Âu về vấn đề nhân quyền và kiểm duyệt báo chí của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua - đã khiến Ankara quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ ngoại giao gần gũi với Moskva.

"Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga dựa vào những lợi ích trước mắt mà Moskva có thể cung cấp", chuyên gia phân tích Trung Đông tại Diễn đàn Chính sách Israel Michael Koplow nhận xét.

Trong khi mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ, quan hệ giữa Nga và Mỹ lại rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức cắt đứt các kênh song phương với Nga liên quan đến những gì mà Washington gọi là "tội ác chiến tranh" ở Syria vào đầu tháng 11 vừa qua.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã đe dọa sẽ đáp trả Moskva với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà các cơ quan tình báo nước này cho là nhằm giúp ông Donald Trump đắc cử.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng Nga đã nhanh chóng tận dụng lợi thế liên quan đến những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây để thúc đẩy mối quan hệ với Ankara.

Andrew J. Tabler, một chuyên gia về Syria tại Viện Chính sách Cận Đông Washington nói: "Nga hiểu rằng không ai cho không bạn bất cứ điều gì, bạn phải chớp lấy cơ hội, và trong bối cảnh này, Mỹ đang thoái lui trong khi những đối thủ khác đang tiến lên. Đó chỉ là một cuộc đấu. Khi người Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga tất cả nhất trí về một tiến trình mà không có Mỹ tham gia, bạn phải thừa nhận rằng đó là một vấn đề".
Công Thuận (theo B.I)
Thổ Nhĩ Kỳ: Vụ giết hại Đại sứ Nga là sự tiếp nối của cuộc đảo chính
Thổ Nhĩ Kỳ: Vụ giết hại Đại sứ Nga là sự tiếp nối của cuộc đảo chính

Chủ tịch đảng "Vatan" của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Dogu Perincek gọi vụ tấn công Đại sứ Nga tại Ankara Andrey Karlov là sự tiếp nối của cuộc đảo chính diễn ra hồi tháng 7/2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN