Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên 'cá biệt' của NATO

Chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu ý dân ngày 16/4 của Thổ Nhĩ Kỳ, sự kiện mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hy vọng là sẽ giúp ông thâu tóm thêm nhiều quyền lực, đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị giữa quốc gia này với một số đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại Istanbul ngày 12/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hà Lan đã bị hủy hoại, trong khi Đức đang cố gắng kiềm chế trước hàng loạt lời chỉ trích của Tổng thống Erdogan, còn Đan Mạch thì đã đứng về phía các nước láng giềng Bắc Âu. Cùng với đó, những mâu thuẫn giữa Ankara và Washington, hay rạn nứt với Hy Lạp đang khiến người ta không rõ liệu có còn thành viên NATO nào là đồng minh của ông Erdogan hay không.

Mặc dù có lực lượng quân đội khá mạnh song sự hiện diện và đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh này không đáng kể, và lợi ích của họ cũng không đồng nhất với các thành viên khác trong NATO.

Việc nhiều nước Bắc Âu phản đối giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc vận động trên lãnh thổ của họ một phần là do bối cảnh chính trị trong nước. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người phải đương đầu với một đối thủ phản đối nhập cư, có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, trong cuộc bầu cử ngày 15/3, không muốn các cuộc vận động của nhiều bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ với cộng đồng người Thổ tại Hà Lan trở thành những sự kiện kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, vô hình trung giúp đối thủ của mình gia tăng lợi thế. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của dư luận đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel đang sụt giảm do các chính sách đối phó nhập cư bị đánh giá là quá “mềm mỏng”.

Người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam, phản đối việc chính quyền Amsterdam không cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bay tới thành phố này ngày 11/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Không quá cương quyết như Thủ tướng Hà Lan, song bà Merkel - người sẽ tham gia các cuộc bầu cử vào tháng 9 - đã cho phép các chính quyền khu vực hủy bỏ các cuộc vận động tranh cử này với bất kỳ lý do nào họ muốn. Tại Đan Mạch, dù không có các cuộc bầu cử nào trong thời gian tới, song chính quyền nước này cũng đã yêu cầu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hoãn chuyến công du sau khi ông Erdogan ví các chính phủ tại Đức và Hà Lan với phát xít Đức quốc xã.

Đối tượng mà ông Erdogan nhằm vào không chỉ là dư luận trong nước, mà còn cả các cộng đồng người Thổ sinh sống ở nước ngoài, những người luôn cho rằng chính quyền địa phương không thực sự nỗ lực trong việc ngăn chặn việc họ bị đối xử như các công dân hạng hai. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sau khi các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân kết thúc, những căng thẳng hiện nay sẽ chấm dứt.

Mối quan hệ Mỹ-Thổ chưa hề hồi phục sau khi ông Erdogan lớn tiếng chỉ trích Mỹ hồi năm ngoái, cáo buộc Washington nhúng tay vào vụ đảo chính bất thành, gay gắt tới mức cựu Ngoại trưởng John Kerry thậm chí còn phải cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến gần tới chỗ để mất tư cách thành viên trong NATO. Thực tế, vị thế này ở thời điểm hiện nay dường như đã hoàn toàn vô nghĩa. Tại Syria, chiến trường khốc liệt nhất trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hành xử như một bên độc lập, và nhiều khi còn đối đầu với Mỹ.

Cyprus cũng là một điểm nóng trong quan hệ giữa các nước NATO. Thổ Nhĩ Kỳ từ chối rút quân khỏi vùng Bắc Cyprus và cản trở các cuộc đàm phán gần đây nhằm thống nhất hòn đảo này. Những gì Ankara làm càng hủy hoại hơn nữa mối quan hệ vốn đã rất trắc trở giữa họ với Hy Lạp, và thậm chí là đang nhen nhóm một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước thành viên NATO.

Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ tranh cãi nhiều hơn là hòa hảo với các đồng minh NATO, trong khi các cam kết mà quốc gia này giành cho liên minh sau khi trở thành thành viên từ năm 1952 không thực sự mạnh mẽ. Theo báo cáo thường niên năm 2016 của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tham gia 4 trong tổng số 18 cuộc tập trận trong năm qua. Hơn thế nữa, dù sở hữu lực lượng quân đội lớn thứ 4 trong khối (sau Mỹ, Pháp và Anh), và có quân số đông thứ hai (sau Mỹ), Thổ Nhĩ Kỳ không thường xuyên tham gia các chiến dịch triển khai của liên minh, và chỉ đóng góp 4% quân số trong chiến dịch huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan, 7% trong chiến dịch mà NATO thực hiện tại Kosovo.

Bên cạnh đó, bất chấp lời kêu gọi các thành viên NATO hoàn thành cam kết dành ít nhất 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, yêu cầu càng được nhấn mạnh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đi theo hướng ngược lại. Chi tiêu quân sự của nước này trong năm 2009 tương đương 2% GDP song đã liên tục giảm trong các năm sau đó.

Cuộc đảo chính hụt hồi tháng 7 năm ngoái cũng đã hủy hoại vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. Mối quan hệ liên minh bị suy yếu, và đó chính là điều mà một số nhân vật cấp tiến trong đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền mong muốn. Đầu năm nay, nhà lập pháp Samil Tayyar của AKP cho rằng NATO là một “tổ chức khủng bố”, và “đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông cáo buộc liên minh này cùng các nước thành viên đứng đằng sau hàng loạt cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1960 và kêu gọi Ankara rời khỏi tổ chức.

Bản thân ông Erdogan chưa từng có những phát biểu như vậy. Những đe dọa và chỉ trích mà ông đưa ra là nhằm tận dụng hơn nữa những gì có được từ tư cách thành viên của NATO mà không phải thực hiện quá nhiều cam kết. Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn “bao dung” với Ankara bởi họ hiểu rằng sự ra đi của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy khu vực Biển Đen và vùng Balkan vào bất ổn, nơi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể công khai cạnh tranh giành quyền lực. Hơn thế nữa, nếu để mất quốc gia có vị trí chiến lược này, phương Tây sẽ để mất một chỗ đứng quan trọng tại Trung Đông.

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Erdogan không phải là đồng minh lâu dài của bất kỳ ai. Nhà lãnh đạo này là một người theo chủ nghĩa dân túy, hầu như chỉ quan tâm tới việc củng cố quyền lực lâu dài. Tầm quan trọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối với châu Âu, với Mỹ, với Nga và với các nước Arập giúp ông có những đặc quyền nhất định. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bị ràng buộc bởi các hiệp ước chừng nào chúng không buộc ông Erdogan phải làm những điều mà ông không muốn. Nếu cuộc trưng cầu ý dân kết thúc với kết quả như ông Erdogan mong muốn, mọi chuyện sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.

TTXVN/Tin Tức
Lãnh đạo EU chỉ trích các tuyên bố của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ
Lãnh đạo EU chỉ trích các tuyên bố của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 15/3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích các phát biểu của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khi so sánh các nước thành viên EU là Đức và Hà Lan với phát xít, cho rằng cáo buộc này là "hoàn toàn xa rời thực tế" và không phù hợp với mong muốn gia nhập liên minh của Ankara.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN