Phát biểu với báo giới tại thủ đô Ankara, Ngoại trưởng Cavusoglu nêu rõ: "Nếu YPG không tuân thủ thỏa thuận rút lui về khu vực cách đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 30 km, các lực lượng của Ankara sẽ quét sạch nhóm khủng bố này". Ông nhấn mạnh: "Không thể nói rằng toàn bộ các tay súng YPG đã rút lui khỏi khu vực này".
Theo ông Cavusoglu, một phái đoàn quân sự của Nga sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về các hoạt động tuần tra chung, dự kiến bắt đầu vào ngày 29/10 theo kế hoạch.
Hôm 26/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ "quét sạch các phần tử khủng bố" ở khu vực biên giới nước này giáp miền Bắc Syria nếu các lực lượng người Kurd tại miền Bắc Syria không rút khỏi khu vực này sau thời hạn chót đặt ra trong thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ám chỉ tới YPG vốn bị chính quyền Ankara liệt vào tổ chức khủng bố.
Thời hạn 150 giờ nói trên có hiệu lực tới 15h (giờ GMT) ngày 29/10 tới, tức 22h cùng ngày giờ Việt Nam.
Cũng trong ngày 28/10, Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen cho biết ông sẽ gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 29/10, một ngày trước khi diễn ra cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Hiến pháp Syria.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Pedersen nói: "Chúng tôi tin rằng cuộc chiến đang diễn ra là một bằng chứng khác cho thấy tầm quan trọng của một tiến trình chính trị nghiêm túc theo cách có thể giúp loại bỏ những rắc rối trên toàn Syria, trong đó có khu vực Đông Bắc và thành phố Idlib".
Dự kiến, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ gặp nhau tại Geneva trước khi Ủy ban Hiến pháp Syria gồm 150 thành viên triệu tập.
Trước đó, ngày 23/9, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã công bố về một thỏa thuận giữa Chính phủ Syria và phe đối lập liên quan tới việc thành lập Ủy ban Hiến pháp gồm 150 thành viên được LHQ ủng hộ và hậu thuẫn. Theo Tổng Thư ký LHQ, Ủy ban Hiến pháp ra đời, cùng với những bước đi tiếp theo, có thể là cánh cửa mở ra tiến trình xây dựng lòng tin giữa người dân Syria và cộng đồng quốc tế.
Đặc phái viên Pedersen đã phác thảo cơ cấu của Ủy ban Hiến pháp Syria với số thành viên của chính phủ và phe đối lập là ngang nhau. Cụ thể, Ủy ban gồm 15 thành viên thuộc chính phủ, 15 thành viên phe đối lập và 15 thành viên các tổ chức dân sự chịu trách nhiệm soạn dự thảo hiến pháp, sau đó 150 thành viên thuộc ba thành phần nêu trên sẽ thảo luận các dự thảo và có thể thông qua dự thảo với tối thiểu 75% phiếu đồng thuận. Ông khẳng định chính người Syria là những người thảo Hiến pháp và cũng chính người Syria phải thông qua với tỷ lệ đa số nếu muốn Hiến pháp mới có hiệu lực.