Thêm hàng triệu người dân Anh phải chịu cảnh phong tỏa

Chính phủ Anh đã quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nhiều khu vực của nước này nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Biển nhắc nhở người dân thực hiện giãn cách xã hội tại Manchester, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh tại thành phố Manchester (Anh) trong ngày 23/10 vắng lặng và yên ắng khác thường sau khi chính phủ nước này áp đặt biện pháp nghiêm ngặt nhất tại thành phố này và các khu vực lân cận. Hạt Nam Yorkshire cũng sẽ được đặt trong tình trạng cảnh báo "rất cao" vào ngày 24/10, với nhiều quán rượu và tụ điểm phải đóng cửa, trong khi các hộ gia đình khác nhau sẽ không được tụ tập trong không gian kín. Các biện pháp mới nhất này đồng nghĩa với việc 7,3 triệu người dân ở xứ England sẽ phải trải qua các hạn chế nghiêm ngặt nhất, bắt đầu từ cuối tuần này. 

Trong khi đó,  nhà chức trách xứ Wales đã yêu cầu trên 3 triệu người dân phải ở nhà, bắt đầu từ 18h00 (giờ địa phương, tức 24h00 theo giờ Việt Nam), đóng cửa các cửa hàng bán lẻ không liên quan đến thực phẩm, quán cà phê, nhà hàng, quán rượu, khách sạn, nhà nghỉ trong 2 tuần. 

Trong thời gian gần đây, Anh đang phải đối phó với số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao trở lại. Dịch bệnh cũng đã cướp đi sinh mạng của trên 44.000 người nước này - mức cao nhất trên toàn châu Âu. Chính phủ Anh không tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, thay vào đó, áp đặt phong tỏa đối với những khu vực có nguy cơ cao nhất.

Để bảo vệ nền kinh tế cũng như tránh phải áp đặt thêm các biện pháp phong tỏa, Anh đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 và truy vết trên diện rộng. Tính đến nay, chi phí của chương trình này lên tới 12 tỷ bảng (16 tỷ USD). Tuy nhiên, số người được xét nghiệm và truy vết vẫn kém xa mục tiêu chính thức. Theo các nhà khoa học Anh, chương trình này chỉ góp phần không đáng kể đến việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, chính quyền vùng Madrid của Tây Ban Nha cũng ban hành lệnh cấm các hộ gia đình khác nhau tụ tập trong không gian kín từ 24h đêm đến 6h sáng, đồng thời quyết định giảm 50% số lượng người ăn, uống tại các nhà hàng quán bar. Các nhà hàng và quán bar này cũng sẽ phải đóng cửa vào 24h00. Không chỉ vậy, các rạp chiếu phim, phòng tập thể dục tại đây cũng sẽ phải giảm 50% công suất, các khu ký túc xá phải đóng cửa lúc 24h00 và số người được phép tụ tập trong khoảng thời gian từ 6h00 đến 24h00 vẫn không được quá 6 người. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 24/10 - khi lệnh phong tỏa một phần, kéo dài 2 tuần ở Madrid và một số thành phố lân cận kết thúc. 

Chính quyền vùng Madrid đã công bố quyết định trên một ngày sau khi cuôc họp giữa chính quyền trung ương và giới chức y tế địa phương không đạt được đồng thuận về việc áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm. 

Hai vùng khác của Tây Ban Nha là Castilla và Leon và Valencia thông báo sẽ tự áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm, trong khi vùng Andalucia ở miền Nam sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại thành phố Granada.   

Đầu tuần này, Tây Ban Nha đã ghi nhận 1 triệu ca mắc COVID-19. Đây là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có số người nhiễm bệnh lên tới trên 1 triệu người. Tuy nhiên, phát biểu trên truyền hình ngày 23/10, Thủ tướng Pedro Sanchez cho rằng con số thực tế số ca mắc COVID-19 tại Tây Ban Nha phải lên tới trên 3 triệu người.

Ngọc Hà (TTXVN)
Thủ tướng Séc yêu cầu Bộ trưởng Y tế từ chức vì vi phạm quy định phòng dịch COVID-19
Thủ tướng Séc yêu cầu Bộ trưởng Y tế từ chức vì vi phạm quy định phòng dịch COVID-19

Ngày 23/10, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis thông báo sẽ sa thải Bộ trưởng Y tế Roman Prymula nếu ông này không từ chức sau bê bối bị phát giác tổ chức cuộc họp mặt tại một nhà hàng đáng lẽ đã phải đóng cửa theo các quy định phòng dịch nhằm kiềm chế làn sóng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ 2 tại quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN