Thế giới Tuần qua: Quyết định gây tranh cãi của Mỹ với sinh viên nước ngoài, COVID-19 diễn biến phức tạp

Sinh viên nước ngoài có nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ do những điều chỉnh trong chính sách cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần qua.

Chú thích ảnh
Sinh viên đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ, ngày 7/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết định gây tranh cãi của chính quyền Mỹ

Ngày 6/7, Cơ quan Hải quan và Nhập cảnh Mỹ (ICE) thông báo sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ sẽ phải về nước hoặc đứng trước nguy cơ bị trục xuất nếu như đăng ký toàn bộ các tín chỉ theo hình thức học trực tuyến. Điều này đồng nghĩa với việc các sinh viên nước ngoài nếu không học trực tiếp (lên lớp) sẽ phải chuyển trường, hoặc đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về nước. 

Với qui định trên, các sinh viên nước ngoài đăng ký học vào mùa thu năm nay sẽ không được tới Mỹ nếu trường học chuyển sang học hoàn toàn trực tuyến. Đối với sinh viên nước ngoài đang ở Mỹ, nếu trường chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến, sinh viên sẽ phải chuyển trường nếu muốn tiếp tục ở lại Mỹ. 

Quyết định của ICE ảnh hưởng tới khoảng 1,2 triệu sinh viên quốc tế và các trường Đại học tại Mỹ có nhiều sinh viên nước ngoài theo học. Để trấn an dư luận, Bộ Ngoại giao Mỹ ngay sau đó đã ra thông báo khẳng định viên quốc tế luôn được chào đón tới học tập tại nước này.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, sự điều chỉnh tạm thời về quy chế thị thực này giúp cho sinh viên quốc tế có sự linh hoạt tốt hơn trong tiếp tục theo đuổi khóa đào tạo tại Mỹ, đồng thời cho phép thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong khuôn viên các trường đại học luôn ở trạng thái mở.

Một số trường đại học tại Mỹ đã lên tiếng phản đối điều chỉnh chính sách của ICE. Ngày 8/7, Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã khởi kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump về quy định yêu cầu sinh viên quốc tế về nước nếu trường dạy trực tuyến 100%.

Trong đơn khởi kiện được gửi đến Tòa sơ thẩm liên bang ở Boston, hai trung tâm đào tạo này cho rằng chính sách ICE mới ban hành là “tùy tiện, kỳ cục”, khi không thông báo, tham vấn trước với các trường.

Theo hai trung tâm đào tạo nói trên, sắc lệnh mới ban hành mang động cơ chính trị và sẽ đẩy giáo dục đại học ở Mỹ lâm vào bất ổn. Quy định mới được xem là nỗ lực của Nhà Trắng trong việc ép buộc các trường đại học mở cửa trở lại, từ bỏ cách tiếp cận giảng dạy thận trọng mà nhiều trường tuyên bố sẽ thực hiện để giảm lây nhiễm COVID-19.

Đại học Harvard đang có kế hoạch giảng dạy trực tuyến hoàn toàn, nhiều trường đại học khác dự kiến áp dụng “mô hình lai”, có kết hợp giữa phần lớn thời gian dành cho học trực tuyến, xen vào đó là các tiết học trực tiếp trên lớp.

Chủ tịch Đại học Harvard Lawrence S. Bacow đã gọi hành động của chính quyền với sinh viên nước ngoài nêu trên là độc ác, vô tâm. Theo ông, dường như quyết định của ICE được xây dựng để ép buộc các trường Đại học giảng dạy theo hình thức trực tiếp trên lớn mà không hề quan tâm đến sức khỏe và an toàn của sinh viên, giảng viên và những người khác. 

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp

Đại dich COVID-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu. Tổng số người mắc tính đến thời điểm cuối ngày 11/7 là gần 12,7 triệu, số ca tử vong là hơn 564.000. Tâm dịch lớn nhất vẫn là Mỹ, Brazil và Ấn Độ, xét cả về số ca nhiễm mới và số ca tử vong trong ngày.

Mỹ liên tục ghi nhận kỉ lục mới, đỉnh điểm là ngày 10/7 với hơn 68.000 người mắc, phá kỉ lục mới được xác lập một ngày trước đó là 59.886 ca. Tính trong 11 ngày gần đây, nước Mỹ đã có tới 7 ngày có số ca mắc mới đạt mức kỉ lục. 41 trên tổng số 50 bang trong tuần qua đều ghi nhận mức lây nhiễm tăng mạnh, với 13 bang có mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay. 

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 10/7/2020.
Ảnh: THX/TTXVN

Tại Ấn Độ, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 11/7 đạt ngưỡng 822.603 người và 22.144 trường hợp tử vong, đưa Ấn Độ trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Brazil. Số ca nhiễm mới trong ngày là 27.114 ca và đây tiếp tục là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày ở Ấn Độ. 

Bệnh dịch tại Brazil ở vào giai đoạn rất nghiêm trọng. Tổng thống Jair Bolsonaro chính thức tuyên bố ông dương tính với SARS-CoV-2 sau khi có kết quả xét nghiệm hôm 6/7. Dưới sức ép của ông Bolsonaro, thống đốc và thị trưởng tại các thành phố, bang buộc phải nới lỏng quy định cách ly, đẩy số ca nhiễm tăng vọt, với tổng số ca mắc trên 1.750.000 ca và hơn 70.000 người tử vong. 

Lây nhiễm có dấu hiệu bùng phát ở một số nước trước đó được coi là đã lắng dịu. Tại Nhật Bản, Chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận thêm 243 ca mắc COVID-19 trong ngày 10/7. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở Tokyo kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Nhật Bản. Còn ở Australia, bang Victoria ghi nhận 216 ca mắc mới trong ngày 11/6 sau mức kỉ lục 288 trường hợp một ngày trước đó. Bang đông dân nhất nước này đã tái áp đặt phong tỏa trong 6 tuần từ ngày 8/7 đối với hơn 5 triệu dân tại thành phố Melbourne nhằm kiểm soát số ca mắc COVID-19.

Xuất hiện một số tín hiệu tích cực trong ngăn ngừa đại dịch trong thời gian tới. Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva ngày 11/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định dịch bệnh bùng phát ở mức nghiêm trọng, nhưng virus SARS-CoV-2 có thể được kiềm chế thông qua các biện pháp tích cực như xét nghiệm, truy vết, cô lập và chữa trị với những người mắc bệnh.

Trong một diễn biến khác, ông Ugur Sahin, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty sinh học BioNTech (Đức) ngày 10/7, cho biết mẫu vắc-xin của BioNTech sẽ bước vào giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng trên người vào cuối tháng này. Công ty dự kiến sẽ nộp đơn cấp phép cuối năm và có khoảng vài trăm liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được sản xuất trước khi được cấp phép.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 12/7: Thế giới gần 577.000 ca tử vong, các bang Mỹ tăng kỷ lục ca nhiễm
COVID-19 tới 6h sáng 12/7: Thế giới gần 577.000 ca tử vong, các bang Mỹ tăng kỷ lục ca nhiễm

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 209.797 trường hợp mắc COVID-19 và 4.915 ca tử vong. Hàng loạt tiểu bang tại Mỹ đã chứng kiến số ca lây nhiễm tăng kỷ lục và phải áp đặt các quy định hạn chế, trong khi Ấn Độ, điểm nóng tại châu Á, cũng tiếp tục trải qua một ngày lây nhiễm kỷ lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN