COVID-19 tại ASEAN hết 11/7: Ổ dịch lớn trong quân đội Indonesia, Thái Lan đại hạ giá kích cầu du lịch

Trong 24 giờ qua các nước ASEAN ghi nhận 3.172 ca mắc bệnh COVID-19 và 79 ca tử vong. Indonesia có tới 1.671 ca mắc mới trong ngày sau khi phát hiện ổ dịch lớn tại một trường sĩ quan lục quân. Thái Lan phát động chương trình đại hạ giá để kích cầu du lịch sau dịch.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đeo khẩu trang phòng dịch đi bỏ phiếu tại điểm bầu cử thủ đô Singapore ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tới hết ngày 11/7, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 5.122 người dân ở khu vực Đông Nam Á, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 186.964 ca. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 103.059 trường hợp.

Singapore vẫn ghi nhận hàng chục ca nhiễm trong cộng đồng

Bộ Y tế Singapore ngày 11/7 thông báo ghi nhận 170 ca mắc COVID-19, bao gồm 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 7 công dân Singapore và thường trú nhân, cùng với 17 lao động nhập cư. Dù vậy, "đảo quốc sư tử" tiếp tục thành công trong công tác điều trị khi không để phát sinh thêm ca tử vong mới bởi virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Cử tri bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Singapore ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp tình hình dịch bệnh, tỉ lệ cử tri tham gia cuộc tổng tuyển cử tại nước này đạt mức cao hơn cả năm 2015. Theo thông báo của Cơ quan Bầu cử Singapore, cuộc tổng tuyển cử năm nay thu hút hơn 2,5 triệu cử tri đi bỏ phiếu, chiếm tới 95,63% tổng số cử tri đăng ký và cao hơn so với tỷ lệ 93,56% của năm 2015. 

Indonesia phát hiện ổ dịch lớn ở trường Sĩ quan Lục quân

Tại Indonesia cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với các quân nhân, sau khi phát hiện một ổ dịch lớn tại Trường Sĩ quan Lục quân ở thành phố Bandung, tỉnh Tây Java.

Trước đó, người phát ngôn của Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ, ông Achmad Yurianto cho biết tổng cộng có 1.262 ca nhiễm tại Trường Sĩ quan Lục quân Bandung, trong đó 17 người đang được điều trị tại bệnh viện.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu máu xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Bandung, West Java. Ảnh: Jakarta Post

Quân đội Indonesia đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế trên khắp các khu vực của Indonesia. Nhiều binh sĩ trực tiếp tham gia phòng chống COVID-19, trong đó có những người túc trực tại bệnh viện dã chiến ở Làng vận động viên Wisma Atlet tại Jakarta. Việc xét nghiệm hàng loạt đã bắt đầu được triển khai tại một số địa điểm, nhưng sau vụ việc tại Trường Sĩ quan Lục quân, Bộ trưởng Prabowo mong muốn các cuộc xét nghiệm phải được tiến hành liên tục trên phạm vi rộng hơn.

Cùng ngày, Indonesia thông báo nước này có thêm 1.671 ca nhiễm, nâng tổng số ca bệnh lên 74.018 người. Số ca tử vong cũng tăng lên 3.535 trường hợp sau khi có thêm 66 người chết vì bệnh COVID-19. 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết có thêm 1.190 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số người được chữa khỏi bệnh lên 34.719 trường hợp. Bộ trưởng Yurianto kêu gọi người dân thực hiện nghiêm túc những hướng dẫn y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 23/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan đại hạ giá kích cầu du lịch sau dịch COVID-19

Ngày 11/7, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) phát động một chương trình kích thích mua sắm kéo dài 2 tháng nhằm hỗ trợ ít nhất 10.000 doanh nghiệp liên quan đến ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Chương trình “Đại hạ giá tuyệt vời Thái Lan 2020 - Mua sắm không ngừng” và sẽ kéo dài từ ngày 15/7 đến 15/9 với hy vọng tạo ra doanh thu 100 triệu baht (hơn 3 triệu USD) từ du khách nội địa để giúp ngành du lịch hồi phục sau thời gian phong tỏa chống dịch.

Chú thích ảnh
Một nhóm công dân Thái Lan về nước ngày 9/7 và phải tiến hành các biện pháp cách ly. Ảnh: Bangkok Post

Để thực hiện chương trình, TAT đã mời hơn 10.000 cửa hàng và doanh nghiệp trên toàn quốc tham gia bằng cách đưa ra những ưu đãi đặc biệt cho người dân và người nước ngoài sinh sống ở Thái Lan tại các trung tâm du lịch của đất nước như Bangkok, Chiang Mai, Phuket, Pattaya và Hat Yai.

Du lịch là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan. Trước khi bùng phát dịch COVID-19, Thái Lan hy vọng doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp khoảng 20% GDP trong năm 2020. Thái Lan đón gần 40 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2019.

Tuy nhiên, du lịch là ngành đầu tiên ở nước này phải hứng chịu tác động của dịch COVID-19 ngay từ cuối tháng 1/2020. Cuối tháng trước, Nội các Thái Lan đã thông qua hai gói kích cầu du lịch nội địa tổng trị giá 22,4 tỷ baht (723 triệu USD) để có thể hồi sinh ngành công nghiệp không khói vốn đã tê liệt bởi đại dịch COVID-19.

Trong một diễn biến có liên quan, Chính phủ Thái Lan dự kiến thành lập một trung tâm phụ trách công việc hồi phục kinh tế của đất nước sau đại dịch, theo mô hình hoạt động thành công của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA). Trung tâm này sẽ do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha làm Chủ tịch.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo tấm che mặt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Prayut đã hoãn một cuộc họp của các bộ trưởng phụ trách kinh tế ngày 10/7, và thay vào đó gặp các cố vấn kinh tế cùng các đại diện của khu vực tư nhân, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) và Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) để nghe ý kiến về việc hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Philippines: Ngày thứ 9 liên tiếp có trên 1.000 ca mới

Philippines đã bước sang ngày thứ 9 liên tiếp có số ca mắc mới trong ngày vượt quá ngưỡng 1.000. Bộ Y tế Philippines ngày 11/7 cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên 54.222 người sau khi có thêm 1.387 ca bệnh mới. Số ca tử vong cũng tăng thêm 12 trường hợp, nâng tổng số người chết lên 1.372 ca. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng chờ nhận tiền trợ cấp tại Manila, Philippines, ngày 3/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo Bộ Y tế, có thêm 807 bệnh nhân được chữa khỏi, một con số kỷ lục trong ngày, đưa tổng số người được xuất viện tăng lên 14.037 trường hợp. Giới chức y tế Philippines cảnh báo những người cao tuổi ở nước này cần thận trọng hơn do đây là đối tượng dễ bị mắc bệnh. Hiện 57% số ca tử vong vì COVID-19 tại Philippines là những người từ 60 tuổi trở lên. 

Bộ Y tế Philippines giải thích số ca mắc mới tiếp tục tăng là sự phản ánh năng lực xét nghiệm được mở rộng. Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận sự gia tăng ca nhiễm mới còn là hệ quả của nới lỏng kiểm dịch.

Chú thích ảnh
Cảnh sát nhắc nhở hành khách chờ đợi lên tàu điện ngầm Metro Manila, Philippines phải giãn cách xã hội. Ảnh: Rappler

Cũng trong ngày 11/7, Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này đã ghi nhận thêm 8 người mắc bệnh, đưa tổng số ca nhiễm lên 8.704 người. Trong số các ca bệnh mới có 4 ca "nhập khẩu", số còn lại là lây nhiễm cộng đồng.

Không có ca tử vong nào được ghi nhận trong ngày, hiện tổng số người chết duy trì ở mức 121 trường hợp. Tổng số người được chữa khỏi bệnh và xuất viện tại Malaysia cũng tăng lên 8.515 trường hợp, chiếm 97,8% tổng số ca bệnh tại nước này.

Chú thích ảnh
Người dân Lào đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Lào 90 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 Lào ngày 11/7 cho biết tính hết ngày 10/7, nước này không phát hiện trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ngày không có ca nhiễm mới lên 90 ngày liên tiếp. Hiện Lào ghi nhận tổng cộng 19 ca bệnh và tất cả đều đã được chữa khỏi và xuất viện.

Liên quan tới trường hợp 1 công dân Myanmar làm việc Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, tỉnh Bokeo, miền Bắc Lào sau khi về nước cách ly cùng với lao động trở về từ nhiều nước khác tại Yangoon, thì phát hiện dương tính virus SARS-CoV-2, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bokeo ngày 10/7 cho biết đã kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly 4 người Myanmar khác từng sinh sống cùng với bệnh nhân và hiện vẫn đang làm việc tại khu vực nói trên. Các kết quả xét nghiệm của 4 người này tại tỉnh Bokeo và thủ đô Viêng Chăn đều là âm tính. Giới chức tỉnh Bokeo của Lào cho rằng rất có khả năng lao động Myanmar nói trên bị lây chéo trong quá trình cách ly ở Yangoon.

Theo thông báo, mặc dù tới thời điểm hiện tại, tỉnh Bokeo của Lào vẫn chưa phát hiện bất cứ ca mắc COVID-19 nào, tuy nhiên do là tỉnh có tiếp giáp Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar, nên là địa bàn có nguy cơ cao, do vậy cần cảnh giác đề phòng và thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Lào.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Chiều 11/7, Việt Nam không có ca COVID-19 mới, bệnh nhân phi công người Anh đã ra viện
Chiều 11/7, Việt Nam không có ca COVID-19 mới, bệnh nhân phi công người Anh đã ra viện

Đến chiều 11/7, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 trong 12 giờ qua, bệnh nhân 91 là phi công người Anh đã rời bệnh viện Chợ Rẫy và sẽ lên máy bay về nước vào khoảng 23 giờ ngày 11/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN