Thế giới tuần qua: Kazakhstan leo thang bất ổn; 5 cường quốc ra cam kết chung về vũ khí hạt nhân

Biến động tại Kazakhstan cùng việc 5 cường quốc cùng cam kết ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân là những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong tuần qua.

Kazakhstan chao đảo vì biểu tình

Chú thích ảnh
Một chiếc xe bị hư hại trong biểu tình ở thành phố Almaty, Kazakhstan ngày 6/1. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn thông báo từ Bộ Nội vụ Kazakhstan ngày 8/1 cho biết lực lượng chức năng đã giết 26 người biểu tình và trên 4.400 người bị bắt. Ngoài ra, có 18 thành viên lực lượng hành pháp thiệt mạng.

Các cuộc biểu tình bùng phát ở phía tây quốc gia Trung Á bắt nguồn từ bất bình liên quan đến giá nhiên liệu tăng. Sau đó, biểu tình lan rộng sang các khu vực khác của Kazakhstan, bao gồm thành phố lớn nhất Almaty nơi người biểu tình phóng hỏa nhiều tòa nhà công quyền.

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev ngày 7/1 cho biết tình hình tại Almaty đã “ổn định” và những biện pháp khẩn cấp quốc gia được áp dụng đã đem lại hiệu quả. Nhà lãnh đạo Kazakhstan bổ sung: “Tuy nhiên, khủng bố tiếp tục tàn phá nhiều công trình nhà nước và tư nhân, sử dụng vũ khí nhắm vào người dân. Tôi đã ra lệnh cho lực lượng hành pháp và quân đội nổ súng không cần báo trước”.

Bộ Công nghiệp và Phát triển hạ tầng Kazakhstan thông báo sân bay quốc tế Almaty sẽ đóng cửa đến 9/1. Đã có trên 20 chuyến bay quốc tế bị hủy.

Dưới đây là video cảnh hỗn loạn vì biểu tình tại Almaty ngày 5/1 (nguồn: RT):

Tổng thống Tokayev tối 5/1 đã phải yêu cầu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Ông sau đó cho biết một đội quân của CSTO đã đến nước này "trong một thời gian ngắn" để thực hiện các chức năng phòng thủ và hỗ trợ.

Tổng thư ký của CSTO Stanislav Zas nói với hãng tin Sputnik (Nga) rằng khoảng 3.600 nhân sự sẽ được triển khai tới Kazakhstan để bảo vệ chính phủ và các cơ sở chiến lược, đồng thời giúp duy trì trật tự. Bộ Quốc phòng Nga ngày 7/1 cho biết 70 máy bay vận tải IL-76 và 5 chiếc IL-76 đã vận chuyển binh sĩ cùng thiết bị cho lực lượng CSTO.

Tổng thống Tokayev đã gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các nước thành viên CSTO vốn bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan đồng thời bày tỏ "lòng biết ơn đặc biệt" đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã "rất kịp thời và quan trọng nhất là phản ứng thân thiện trước lời kêu gọi của tôi về CSTO”. Tổng thống Nga Putin đã điện đàm cùng lãnh đạo các nước CSTO vào ngày 6 và ngày 7/1.

Nhà lãnh đạo Kazakhstan cũng cảm ơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ và "các nhà lãnh đạo của Liên hợp quốc cùng những tổ chức quốc tế khác đã dành những lời ủng hộ".

Kazakhstan là quốc gia có diện tích lớn thứ 9 thế giới, đồng thời là nền kinh tế lớn nhất Trung Á. Kazakhstan đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài kể từ khi trở thành quốc gia độc lập vào năm 1991. Về địa lý, quốc gia này còn liên kết các thị trường lớn và phát triển nhanh như Trung Quốc và Nam Á với Nga cùng châu Âu qua đường bộ, đường sắt cùng cảng ở Biển Caspi.

Ngày 7/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington vẫn “quan ngại về tình hình khẩn cấp đang diễn ra ở Kazakhstan”.

5 cường quốc ra tuyên bố chung hiếm hoi

Chú thích ảnh
Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ cũng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: Reuters

Năm quốc gia Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ ngày 3/1 đã cam kết ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân và khẳng định chiến tranh hạt nhân không phải là một lựa chọn. Trong tuyên bố chung của 5 quốc gia có đoạn: “Chúng tôi tin rằng cần phải ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Một cuộc chiến tranh hạt nhân là không thể chiến thắng và không bao giờ nên xảy ra”.

Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng nhất trí "theo đuổi các cuộc đàm phán với thiện chí về các biện pháp hiệu quả liên quan đến việc chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân ngay từ sớm và giải trừ vũ khí hạt nhân, cũng như về một hiệp ước giải trừ quân bị chung và hoàn toàn dưới sự kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả của quốc tế".

Bộ Ngoại giao Nga sau đó cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng trong điều kiện khó khăn hiện nay của an ninh quốc tế, việc thông qua một tuyên bố chính trị như vậy sẽ giúp giảm mức độ căng thẳng quốc tế".

Tuyên bố chung này được đưa ra ở thời điểm căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc trên thế giới. Nga và Mỹ lên án nhau về vấn đề Ukraine trong khi Bắc Kinh cùng Washington có nhiều bất đồng liên quan đến chính trị, kinh tế.

Trong diễn biến liên quan, chỉ một ngày sau khi ra tuyên bố chung cùng Pháp, Nga, Anh và Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của nước này.

Hãng thông tấn AFP đưa tin ngày 4/1, ông Fu Cong, người đứng đầu Cục Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá: “Nga và Mỹ vẫn sở hữu 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới. Họ phải giảm kho vũ khí hạt nhân của họ theo cách không thể đảo ngược và ràng buộc về pháp lý".

“Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân vì vấn đề an toàn và độ tin cậy”, ông Fu Cong bổ sung.
 

Hà Linh/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 9/1: Thế giới vượt 5,5 triệu ca tử vong; Omicron lan nhanh toàn cầu
COVID-19 tới 6h sáng 9/1: Thế giới vượt 5,5 triệu ca tử vong; Omicron lan nhanh toàn cầu

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 2 triệu ca nhiễm mới và 4.528 ca tử vong, đưa tổng ca bệnh vượt 305 triệu và trên 5,5 triệu ca tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN