Mới chỉ cách đây vài tuần, Nam Phi còn là tâm điểm lo lắng của thế giới gắn với biến thể Omicron, khi số ca mắc mới tại quốc gia này, cũng là nước đầu tiên xác định ca nhiễm Omicron đầu tiên trên thế giới, tăng vọt.
Thế nhưng khi Omicron lây lan mạnh ra toàn cầu, Nam Phi lại đang cho thế giới thấy được manh mối về cuộc sống hậu Omicron. Chính quyền Tổng thống Cyril Ramaphosa tuyên bố Nam Phi đã bước qua đỉnh dịch trong làn sóng COVID-19 thứ tư. Tổng số người thiệt mạng do biến thể Omicron là khoảng 10.000 người, chưa bằng 10% so với hơn 110.000 trường hợp tử vong trong gia đoạn bùng phát lây nhiễm biến thể Delta.
Khoảng ¾ người dân Nam Phi hiện chưa tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19. Nhưng tỉ lệ tiêm chủng cùng với miễn dịch tự nhiên từ số người đã mắc COVID-19 trước đó kết hợp với việc Omicron có xu hướng gây bệnh nhẹ đã giúp giảm sức ép lên hệ thống y tế, bệnh viện.
Theo Richard Friedland, Giám đốc điều hành Netcare, mạng lưới y tế tư nhân lớn nhất ở Nam Phi, vấn đề quan trọng nhất cần rút ra chính là việc cần phải bóc tách giữa lây nhiễm cộng đồng – thường là tốc độ lây lan rất nhanh, với mức cấp độ trường hợp bệnh nặng phải nhập viện. “Chúng tôi không phải dừng các ca phẫu thuật lựa chọn, không gặp phải sức ép về giường bệnh. Chúng tôi không bị quá tải năng lực xử lý chút nào trong làn sóng lây nhiễm thứ tư này”, ông Friedland nói.
Tại tỉnh Gauteng, trung tâm kinh tế của Nam Phi và cũng là tâm dịch của sóng lây nhiễm Omicron vừa qua, số ca tử vong cũng đã lên mức đỉnh và thấp hơn nhiều so với các làn sóng trước. Mức đỉnh này được thiết lập cũng chỉ sau vài tuần. “Tốc độ lây lan không thể tin được của Omicron là điều tôi vẫn còn ngạc nhiên. Đây là làn sóng lây nhiễm mà gần như tất cả những người tôi quen biết đều bị nhiễm”, ông François Venter, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và HIV tại Đại học Wits ở Johannesburg, chia sẻ.
Đây là điểm gây bất ngờ, bởi Nam Phi là nước có mức miễn dịch cao so với nhiều nước khác. Theo kết quả của một công trình nghiên cứu gần đây, kiểm tra các mẫu xét nghiệm máu cho thấy có ¾ số người tại Gauteng có sẵn kháng thể trước khi Omicron bùng phát lây nhiễm.
Số ca nhập viện trong thời điểm đỉnh dịch Omicron chỉ bằng 2/3 so với mức đỉnh dịch trong sóng lây nhiễm Delta. Nhưng con số này vẫn chưa cho thấy một tín hiệu quan trọng, đó là số ca bệnh nhẹ và trung bình tăng mạnh so với các làn sóng trước. “Đã xuất hiện một diện bệnh nhân với tiêu chí mới, điều chưa từng gặp trong ba làn sóng trước đây. Chúng tôi định danh đó là trường hợp nhiễm COVID-19 thứ yếu”, ông Friedland nói.
Như trong sóng Delta, gần như tất cả các bệnh nhân dương tính với virus và nhập viện điều trị trong mạng lưới bệnh viện của Netcare đều gặp phải vấn đề hô hấp nghiêm trọng. Nhưng lần này, tỉ lệ đó chỉ còn khoảng 1/3.
Theo chia sẻ của Friedland, có ngày trong tháng 12 vừa qua một bệnh viên Netcare 13 trên tổng số 14 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus, nhưng tất cả các trường hợp này đều thuộc diện không triệu chứng. Thời gian nằm viện điều trị với người bệnh nhiễm Omicron cũng chỉ khoảng 3 ngày, giảm mạnh so với mức 7 ngày trong các làn sóng trước.
Ông Venter cho biết rất vui khi thấy hệ thống y tế công và tư tại Nam Phi đã xử lý ổn thỏa các ca nhập viện liên quan đến Omicron mà không bị quá tải. Kết quả này có được một phần là đến từ những cảnh báo sớm của giới khoa học, tạo điều kiện để các bác sĩ có được thời gian, năng lực ứng phó. Các nhà khoa học Nam Phi không chỉ phát hiện sớm biến thể Omicron, mà còn nghiên cứu, làm rõ những chỉ số quan trọng như mức độ phổ biến của virus trong các mẫu nước thải để xác định ngay từ đầu đây là biến thể có khả năng lây nhiễm cao.
Số ca bệnh nặng, tử vong do nhiễm Omicron giảm so với sóng Delta, nhưng giới chuyên gia, quản lý y tế Nam Phi giờ đây cần làm rõ câu hỏi: Nhóm đối tượng nào dễ bị ảnh hưởng nhất từ Omicron? “Điều này giúp cơ quan chức năng có được thông tin ai, nhóm đối tượng nào cần tiêm chủng khẩn cấp trong thời gian tới đây. Chúng ta cần biết ai nên đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu khi mọi người chờ đến lượt tiêm vaccine” ông Venter nêu quan điểm.
Tuy nhiên, Tom Moultrie, giáo sư chuyên ngành nhân chủng học tại Đại học Cape Town, cũng cho rằng chưa thể sớm áp dụng kinh nghiệm ở Nam Phi đối với các nước khác trên thế giới. Lây nhiễm Omicron tạo ra những hệ quả xã hội, sức ép với hệ thống y tế ở mỗi nước mỗi khác. Không thể bê nguyên bài học của Nam Phi với tỉ lệ lây nhiễm cao trong quá khứ để áp dụng tại các nước có tỉ lệ người già cao.
Hơn thế, thực tiễn tại Nam Phi cũng chỉ ra rằng sóng lây nhiễm COVID-19 không suy yếu nhanh như lúc nó bùng phát. Tỉ lệ xét nghiệm dương tính tại nhiều khu vực ở Nam Phi hiện giảm mạnh 40% so với mức đỉnh. Nhưng tại Gauteng, tỉ lệ dương tính trong xét nghiệm mới chỉ giảm khoảng 20%.