Tổng thống Biden họp báo sau một tuần đầy biến động
Chiều 25/3 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền.
Bên cạnh đánh giá triển vọng về sự khôi phục của nền kinh tế Mỹ và những hiệu quả ban đầu từ chiến dịch đối phó đại dịch COVID-19, Tổng thống Biden đã đề cập đến một loạt vấn đề nổi cộm mà nước Mỹ phải đối mặt trong tuần qua, đồng thời cung cấp thêm thông tin về chính sách đối nội, đối ngoại của chính quyền mới.
Về tình trạng nhập cư trái phép còn rất nan giải tại Mỹ, Tổng thống Biden cho rằng không thể đảm bảo giải quyết triệt để các vấn đề tại các nước có người di cư. Trả lời trước câu hỏi về làn sóng di cư gia tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng hiện tượng này xảy ra định kỳ và đã giao trách nhiệm cho Phó Tổng thống Kamala Harris giải quyết vấn đề này với các nước ở phía Nam.
Đề cập tới các biện pháp kiểm soát súng sau khi nước Mỹ chứng kiến 7 vụ xả súng chỉ trong 7 ngày, trong đó có 2 vụ xả súng hàng loạt gây chấn động ở thành phố Atlanta (bang Georgia) và Boulder (bang Colorado) khiến tổng cộng 18 người thiệt mạng, Tổng thống Biden hối thúc Quốc hội nhanh chóng thông qua các dự luật siết chặt kiểm soát súng đạn.
Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Biden cũng nêu rõ quan điểm của Washington đối với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng – hai quốc gia gần đây có những động thái căng thẳng với Mỹ.
Trong tuần qua, Triều Tiên đã phóng thử thành công hai tên lửa hành trình chiến thuật mới. Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong vòng một năm qua, đồng thời là vụ phóng thử đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết loại vũ khí chiến lược mới này có thể bay theo những quỹ đạo bất thường ở độ cao thấp.
Tổng thống Biden cảnh báo sẽ đưa ra các hành động đáp trả tương ứng nếu như Triều Tiên leo thang các vụ thử tên lửa và Mỹ đang tham vấn với các đối tác và đồng minh. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thông báo đã chuẩn bị một số hình thức ngoại giao với quốc gia này song điều đó phụ thuộc vào kết quả cuối cùng của quá trình phi hạt nhân hóa. Từ giữa tháng 2 cho đến nay, các quan chức Mỹ tiết lộ những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm tiếp cận với Triều Tiên đều bị từ chối.
Trong quan hệ với Trung Quốc, ông chủ Nhà Trắng khẳng định Mỹ không tìm kiếm đối đầu với Trung Quốc, song cam kết sẽ không để Trung Quốc vượt Mỹ dẫn đầu thế giới trong nhiệm kỳ của mình. Tổng thống Biden nhấn mạnh yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật lệ quốc tế về cạnh tranh công bằng.
Các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên dưới thời Tổng thống Biden tại Alaska, kéo dài hai ngày và bế mạc hôm 19/3. Tuy nhiên, theo đánh giá của cố vấn an ninh Mỹ, các cuộc đàm phán đầu tiên giữa Washington và Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Biden đã diễn ra một cách khó khăn.
Bỏ ngỏ lời giải “hộ chiếu vaccine”
Hộ chiếu vaccine đã trở thành tiêu điểm thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây. Một số quốc gia đang thúc đẩy và kỳ vọng việc áp dụng hệ thống “hộ chiếu vaccine” để khôi phục tự do đi lại theo cách an toàn, mở cửa trở lại ngành du lịch đang bị “đóng băng” và cứu lấy các nền kinh tế đứng bên bờ vực sụp đổ.
Theo hãng tin AFP của Pháp, tính đến ngày 26/3, thế giới đã tiêm tổng cộng 512,91 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Tại một số quốc gia, các chiến dịch tiêm chủng đã cho phép người dân trở lại nhịp sống "bình thường mới".
Ở Israel – quốc gia với hơn 50% dân số đã tiêm chủng, người dân có thể xuất trình thẻ xanh chứng minh đã tiêm chủng để vào những địa điểm tập trung người như nhà hàng, rạp hát và phòng tập thể dục.
Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch cấp chứng nhận số về an toàn đi lại nhằm giúp khôi phục hoạt động tự do di chuyển trong khối cho những công dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 trong mùa Hè năm nay.
Trong khi đó, từ đầu tháng 3, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp hộ chiếu vaccine cho công dân với chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế.
Mặc dù đứng trước nhu cầu cấp thiết song hộ chiếu vaccine vẫn đang đối mặt một loạt thách thức chưa thể giải quyết.
Để áp dụng rộng rãi và đồng bộ hộ chiếu vaccine trên toàn thế giới, các nước cần phải giải quyết vấn đề liên quan đến hậu cần, trong đó có nhu cầu về các tiêu chuẩn toàn cầu để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, cũng như chứng chỉ, chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Bên cạnh đó, vấn đề về đạo đức cũng gây ra tranh cãi trong trường hợp xảy ra hành động phân biệt đối xử theo tình trạng tiêm vaccine và với những người không được tiếp cận vaccine một cách bình đẳng.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra đối với tính khả thi triển khai hộ chiếu vaccine là thời điểm này liệu có quá sớm. Các biến thể virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn đang lây lan nhanh chóng, có khả năng đột biến trong tương lai. Điều này đặt ra nghi vấn về hiệu quả của các loại vaccine hiện hành. Hơn thế nữa, trên thực tế, người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn có thể bị nhiễm và xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong trường hợp vaccine không bảo vệ cơ thể ngay lập tức, từ đó kéo theo lây truyền cho người khác.