Thế giới Tuần qua: Brexit, 'chạy trường' ở Mỹ và khủng bố gây rúng động dư luận quốc tế

Trong tuần qua, thế giới nổi bật với những sự kiện như quyết định của nghị viện Anh về Brexit, bê bối giáo dục ở Mỹ và vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào nhà thờ Hồi giáo tại New Zealand.

Chú thích ảnh
Nghị viện Anh đã bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May. Ảnh: Reuters

Anh chưa đi đến hồi kết về Brexit

Hạ viện Anh ngày 14/3 đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của chính phủ, theo đó gia hạn Điều khoản 50 và ủng hộ việc đề nghị Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn Brexit.

Với 412 phiếu thuận và 202 phiếu chống, các nghị sĩ đã bỏ phiếu nhất trí lui ngày Anh rời EU đến sau ngày 29/3. Nếu như kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May đem ra bỏ phiếu lại vào ngày 20/3 tiếp tục thất bại, thì Chính phủ Anh sẽ phải tìm cách để thỏa thuận với EU về việc gia hạn ngày kích hoạt Điều khoản 50 sau ngày 29/3.

Nếu như kế hoạch Brexit của Thủ tướng May được thông qua vào ngày 20/3 thì sau đó nước Anh sẽ xin lùi ngày rời EU một thời gian ngắn đến ngày 30/6 để có thời gian chuẩn bị các thủ tục mang tính kỹ thuật. Trong trường hợp, kế hoạch Brexit thất bại thì thời hạn Anh sẽ xin EU lùi lại sẽ lâu hơn.

Ngoài ra, phần lớn các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu phản đối đề xuất trì hoãn Brexit để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về vấn đề này, qua đó dập tắt hy vọng của những người ủng hộ Anh ở lại EU mong muốn một cuộc trưng cầu dân ý mới. Chỉ có 85 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ việc tổ chức trưng cầu dân ý thứ 2, trong khi có tới 334 nghị sĩ bỏ phiếu phản đối, với phần lớn nghị sĩ thuộc Công đảng đối lập bỏ phiếu trắng.

Các nhà phân tích cho rằng diễn biến ngày 14/3 cho thấy “nghị viện và chính phủ Anh đang vướng vào bế tắc”. Nhà nghiên cứu Maddy Thimont-Jack đánh giá với báo Al Jazeera: “Điều đáng chú ý về việc bỏ phiếu ủng hộ gia hạn Điều khoản 50 là 188 thành viên đảng Bảo thủ phản đối… Điều này đồng nghĩa với 2/3 thành viên đảng Bảo thủ không đồng tình với đường hướng của Thủ tướng May”.

Hội đồng châu Âu (EC) dự kiến nhóm họp trong ngày 21-22/3 tới. Chủ tịch EC Donald Tusk ngày 14/3 đăng trên mạng xã hội Twitter bày tỏ hy vọng “EU-27 sẵn sàng với kéo dài Điều Khoản 50” nếu Anh muốn “xem xét lại chiến thuật Brexit của quốc gia này”. EU-27 là 27 quốc gia thành viên EU hiện nay, trừ Anh.

Trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 6/2016, gần 52% dân số Anh – hơn 17 triệu người – đã bỏ phiếu ủng hộ rời EU.

Bê bối giáo dục Mỹ

Nước Mỹ vốn tự hào về các trường cao đẳng-đại học lừng danh thế giới, và cũng được đánh giá là quốc gia có nền giáo dục hàng đầu. Thế nhưng, danh tiếng đó phần nào bị lu mờ bởi vụ bê bối "chạy trường" mới đây.

Sau quá trình dài điều tra, các công tố viên Mỹ ngày 12/3 cho biết có 50 nhân vật, gồm cả ngôi sao Hollywood và doanh nhân, đã tham gia vào đường dây gian lận để cho các học sinh vào trường đại học danh tiếng mặc dù không đủ khả năng.

Chú thích ảnh
Người đứng đầu đường dây chạy trường - ông William Singer. Ảnh: International Business Times

Phụ huynh gia đình có điều kiện đã bỏ ra 6,5 triệu USD mua điểm ACT/SAT, làm giả bài thi và xếp con em họ vào dạng "nghiễm nhiên" thuộc diện ưu tiên giỏi thể thao được nhập học.

Dính líu đến bê bối chạy trường này còn có 33 phụ huynh trong đó có các nhân vật nổi tiếng như nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli, nữ diễn viên Felicity Huffman… Một nhóm đối tượng khác trong đường dây này là các huấn luyện viên thể thao đại học – họ đã nhận hàng triệu USD để đổi lại hỗ trợ đưa học sinh vào trường theo diện ưu tú về thể thao. Thậm chí, còn có hành vi dùng phần mềm chỉnh sửa photoshop để ghép mặt học sinh vào cơ thể vận động viên làm ảnh trong hồ sơ.

Các bậc phụ huynh đã chi từ 15.000-75.000 USD để con cái họ có kết quả kiểm tra cao điểm hơn thực tế. Sẽ có người đảm nhận làm bài SAT hoặc ACT thay cho học sinh có cha mẹ chi tiền. Ngoài ra, một nhân vật trong đường dây sẽ giữ vai trò giám thị và “phím bài” cho học sinh câu trả lời đúng. Một mánh khóe khác là sửa câu trả lời của học sinh sau khi đã nộp bài thi.

Người đứng đầu đường dây chạy trường này là doanh nhân William Singer (59 tuổi) – người thành lập công ty Edge College & Career Network.

Bậc phụ huynh sẽ trả tiền cho công ty của ông Singer và “ngụy trang” là tiền quyên góp từ thiện để phân bổ tới các trường đại học, tạo điều kiện để phụ huynh được khấu trừ thuế.

Bê bối chạy trường này khiến dư luận Mỹ phẫn nộ và cho rằng tồn tại bất công trong hệ thống giáo dục. Nhiều trường đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ thường ưu ái nhận nhiều học sinh từ các gia đình thuộc nhóm quyên góp hàng đầu cho trường.

Các công tố liên bang chưa khởi tố bất cứ sinh viên nào trong vụ việc này bởi cho rằng các sinh viên không hay biết về động thái của cha mẹ họ. Tuy nhiên, cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn và nhiều nhân vật có thể bị đưa ra ánh sáng.

Vụ khủng bố rúng động New Zealand

Việc những kẻ thủ ác ra tay xả súng khiến 49 người tử vong tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, ngày 15/3 đã gây rúng động quốc gia nơi vốn nổi tiếng thế giới về sự yên bình.

Chú thích ảnh
Nghi phạm Brenton Tarrant tại tòa. Ảnh: Al Jazeera

Người dân New Zealand đã thể hiện sự đoàn kết với cộng đồng đạo Hồi sau 2 vụ xả súng đẫm máu này bằng việc ủng hộ hàng triệu USD, quyên góp thực phẩm... Nhiều người dân còn đề nghị đồng hành cùng người theo đạo Hồi khi họ lo sợ phải đi ra đường.

Bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Al Noor, cả dòng người đã đến đặt hoa, thắp nến tưởng niệm các nạn nhân, một số im lặng bày tỏ lòng thành kính, nhiều người khác đã rơi lệ.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhận định: “Đây là một trong những ngày tăm tối nhất của New Zealand. Điều đã xảy ra là hành vi bạo lực chưa có tiền lệ và khác thường”.

Ngày 16/3, Thủ tướng Ardern đã đến thành phố Christchurch gặp gỡ những người sống sót và gia đình các nạn nhân để thể hiện sự thông cảm và ủng hộ. Bà cho biết thêm New Zealand sẽ siết chặt luật sở hữu súng đạn sau vụ tấn công đẫm máu này.

Nghi phạm Brenton Tarrant (28 tuổi) đã bị đưa ra tòa vào ngày 16/3 và nhận tội danh giết người. Đến ngày 5/4 hắn sẽ bị đưa ra tòa án tối cao của thành phố. Cảnh sát hiện giam giữ 2 nghi phạm khác trong vụ việc. Tất cả những kẻ này chưa từng có tiền án hoặc trong danh sách theo dõi tại New Zealand hoặc Australia.

Vụ tấn công không chỉ làm rúng động đất nước New Zealand mà còn khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng. Hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới đã gửi điện chia buồn trước nỗi đau này. Ngày 15/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện thăm hỏi đến Toàn quyền New Zealand Dame Patsy Reddy, Thủ tướng Jacinda Ardern và Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters.

Hà Linh/Báo Tin tức
Vụ xả súng tại New Zealand hé lộ gì về khủng bố cực hữu?
Vụ xả súng tại New Zealand hé lộ gì về khủng bố cực hữu?

Vụ xả súng đẫm máu khiến 49 người thiệt mạng tại hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand ngày 15/3 là “hồi chuông cảnh tỉnh” về mối nguy hiểm của làn sóng khủng bố cực hữu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN