Kết quả này được xem tạm thời dẹp bỏ khả năng những người ủng hộ Anh ở lại EU có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới, nhưng cũng không khiến cho tương lai Brexit của nước Anh trở nên rõ ràng hơn.
Với 412 phiếu thuận và 202 phiếu chống, các nghị sĩ đã nhất trí lui thời hạn Brexit đến sau ngày 29/3. Như vậy là sau 2 lần bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May và cũng phản đối khả năng "ly hôn" không thỏa thuận, Hạ viện Anh đã lựa chọn một "khoảng dừng", được cho là nhằm tạo điều kiện cho nội bộ nước Anh tìm kiếm thêm sự đồng thuận. Tuy nhiên, "kịch bản" Brexit của nước Anh sau quyết định này vẫn khá mờ mịt, bởi vấn đề quan trọng nhất, là lùi thời hạn nước Anh rời khỏi EU bao lâu thì chưa được quyết định, và sẽ phụ thuộc vào một loạt "cửa ải" nữa.
Trước hết là cuộc bỏ phiếu tại Anh. Thủ tướng Anh Theresa đã yêu cầu Hạ viện Anh lần thứ ba bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit sửa đổi, dự kiến vào ngày 20/3 tới. Nếu các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận mà bà May đã nhất trí với EU từ tháng 11 năm ngoái trong cuộc bỏ phiếu thứ ba này, Thủ tướng May sẽ đề xuất với các nhà lãnh đạo EU một khoảng thời gian gia hạn Brexit ngắn từ ngày 29/3 sang ngày 30/6 tới.
Tuy nhiên, trong trường hợp thứ hai, nếu các nghị sĩ từ chối hậu thuẫn thỏa thuận Brexit sửa đổi nước Anh sẽ phải đề xuất kéo dài thời gian hơn so với phương án đầu tiên. Lùi thời hạn Brexit quá ngày 30/6 đồng nghĩa với việc nước Anh vẫn phải tham gia các cuộc bầu cử tại Nghị viện châu Âu (EP) vào ngày 24-26/5 tới, điều được cho sẽ càng "gây nhiễu" trên chính trường Anh hậu Brexit, đồng thời lộ trình rời khỏi EU sẽ bị kéo dài không hạn định.
Trên thực tế, Thủ tướng May không phải là người ủng hộ gia hạn Brexit bởi bà cho rằng đây không phải giải pháp để giải quyết gốc rễ vấn đề. Mấu chốt của Brexit vẫn là nước Anh rời EU có thỏa thuận hay không thỏa thuận, hoặc là không có Brexit. Việc trì hoãn Brexit sẽ khó giải quyết được những vướng mắc hiện nay bởi nội bộ Anh đã quá chia rẽ về vấn đề này.
Hơn thế nữa, bản thân việc nước Anh đề xuất trì hoãn lùi thời điểm Brexit cũng khiến vị thế trên bàn thương lượng với EU bị giảm sút. Tuy nhiên, bà May thì đã bị đẩy đến đường cùng và phải chấp nhận giải pháp trì hoãn.
Khả năng Hạ viện Anh trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba vào ngày 20/3 tới ủng hộ thỏa thuận của bà May cũng rất khó khăn, khi không dễ gì một khoảng thời gian ngắn ngủi lại có thể thay đổi được quan điểm của những nghị sĩ vốn đã 2 lần bỏ phiếu không chấp nhận một thỏa thuận mà họ cho là nước Anh vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào EU sau Brexit. Nếu thỏa thuận này tiếp tục bị từ chối, chắc chắn thời gian trì hoãn sẽ phải kéo dài hơn, khi đó nước Anh có thể bị đẩy vào một “ngã rẽ mới”, mà không biết đến khi nào mới kết thúc.
Cửa ải tiếp theo là EU. Đề xuất kéo dài thời hạn Brexit của Anh vẫn cần được sự nhất trí của 27 nước thành viên EU còn lại. EU dự kiến sẽ đưa vấn đề này ra xem xét tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 21-22/3. Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Anh chứng minh lý do trì hoãn Brexit để EU có thể quyết định cho phép Anh ra đi trước khi một Nghị viện châu Âu (EP) mới được bầu ra vào tháng 5 và sẽ nhậm chức trong tháng 7, hay tiếp tục tham gia bầu cử EP.
Chủ tịch EU Donald Tusk mặc dù trước đó tuyên bố sẽ kêu gọi các nước thành viên chấp thuận việc gia hạn Brexit để Anh có thể suy nghĩ lại về chiến lược Brexit của mình cũng như huy động được sự đồng thuận chung xung quanh vấn đề này, song với quan điểm nhất quán, EU không thảo luận lại thỏa thuận, việc gia hạn thời gian Brexit xem ra cũng không có hiệu quả. Cho đến nay EU vẫn khẳng định thỏa thuận "ly hôn" giữa EU và Anh là thỏa thuận cuối cùng, hàm ý sẽ không có thương lượng lại, ngay cả khi Brexit được hoãn đến ngày 30/6 hay lâu hơn nữa.
Có ý kiến cho rằng Anh không được phép gia hạn Brexit nếu không đưa ra quyết định rõ ràng về kế hoạch sử dụng thời gian gia hạn để làm rõ vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận thỏa thuận Brexit đã được Thủ tướng Anh nhất trí với EU. Như vậy, việc thỏa thuận Brexit của bà May có vượt qua cuộc bỏ phiếu lần nữa ở Hạ viện Anh hay không sẽ là điều kiện để EU cân nhắc cho phép lùi thời hạn Brexit.
Về lý thuyết, việc EU đồng ý gia hạn Brexit đồng nghĩa với khối này sẽ đưa ra thêm các điều kiện đối với Anh. Gia hạn ngắn có thể là vấn đề dễ dàng. Tuy nhiên, việc gia hạn lâu hơn sẽ buộc Anh phải đưa ra mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể và chính xác để giải thích rằng nước Anh cần gia hạn để làm gì. Điều đó, có thể lại dẫn tới một cuộc bầu cử mới ở Anh hoặc một cuộc trưng cầu dân ý mới.
Khi số phận Brexit chưa thể ngã ngũ, khả năng "Brexit cứng" không thỏa thuận vẫn hiện hữu. Ngay sau khi công bố kết quả bỏ phiếu trì hoãn Brexit vào sáng 15/3 (giờ Việt Nam, tối 14/3 giờ Anh), Trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier nhận định tình hình là nghiêm trọng và EU phải chuẩn bị cho lựa chọn Brexit "cứng" dù không mong muốn. Ông lưu ý mọi người không nên đánh giá thấp hậu quả của một Brexit không thỏa thuận.
Việc EP thông qua một số biện pháp dự phòng ngay trước thời điểm Anh tiến hành bỏ phiếu, càng cho thấy liên minh này đã hoàn toàn sẵn sàng cho kịch bản Brexit không thỏa thuận. Bên cạnh đó, Hội đồng châu ÂU cũng đã tăng cường chiến dịch kêu gọi người dân và doanh nghiệp chuẩn bị kịch bản Brexit không thỏa thuận và tổ chức các cuộc thảo luận kỹ thuật với 27 quốc gia thành viên về các vấn đề chung như công tác chuẩn bị, dự phòng cũng như các vấn đề pháp lý và hành chính cụ thể.
Về phần mình, sau một loạt thất bại tại hạ viện, uy tín và quyền lực của Thủ tướng Theresa May đã chạm tới mức thấp kỷ lục. Nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền của bà cũng vì thế mà không giữ được đoàn kết. Kết quả thể hiện trong cuộc bỏ phiếu lần hai thỏa thuận sửa đổi ngày 12/3 vừa qua càng cho thấy bà May đang mất dần quyền kiểm soát trong đảng và quốc hội. Nguyên nhân được cho là nhà lãnh đạo Anh trên thực tế đã tìm cách thúc đẩy một “Brexit mềm”, ngược lại với những gì lực lượng ủng hộ Brexit cứng rắn mà đảng Bảo thủ mong muốn.
Cuối cùng thì Thủ tướng Anh và số phận Brexit của nước Anh vẫn đang kẹt vào ngõ cụt. Tương lai mờ mịt của tiến trình Brexit cũng đặt vận mệnh chính trị của bà May trước những ngã rẽ nhiều rủi ro.