'Thế giới đang đối mặt với nhiều rối loạn'

Ngày 25/9, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã khai mạc phiên thảo luận toàn thể khóa 67 tại thành phố New York, Mỹ, với cảnh báo của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon rằng thế giới đang phải đối mặt với một thời kỳ chuyển tiếp, nhiều rối loạn và biến đổi.

 

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, TTK Ban Ki-moon cho biết chương trình nghị sự năm nay tại ĐHĐ LHQ sẽ chú trọng tới 5 vấn đề cấp bách là phát triển bền vững; xây dựng một thế giới an toàn hơn; hỗ trợ các nước trong thời kỳ chuyển tiếp; và trao quyền hành động cho phụ nữ và thanh niên. Theo ông, phát triển bền vững là chìa khóa để mở ra những hy vọng của thế giới tới tương lai và đây là ưu tiên hàng đầu của ông với tư cách là TTK LHQ.

 

Phát biểu sau ông Ban Ki Mun, Tổng thống Brazil (Braxin), bà Dilma Rousseff đã tập trung vào các vấn đề liên quan đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Trong bài diễn văn của mình, bà Rousseff đã chỉ trích những biện pháp cắt giảm chi tiêu và chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ và châu Âu đang gây ra những tác động phụ tiêu cực lên phần còn lại của thế giới và khiến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay trở nên tồi tệ hơn. Theo Tổng thống Brazil, các nước vẫn chưa tìm được một phương cách để cùng điều chỉnh các chính sách tài khóa một cách thích hợp.

 

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cũng đề cập đến việc cần phải ban hành một hiệp ước quốc tế để bảo vệ các tôn giáo. Phát biểu của Tổng thống Indonesia- quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, được đưa ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối đoạn phim phỉ báng nhà tiên tri Mohamed sản xuất tại Mỹ đang dâng cao tại những quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo.

 

Cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 18 tháng qua tại Syria (Xyri) cũng như chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran cũng là những vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận ĐHĐ LHQ. Theo TTK LHQ Ban Ki Mun, tình hình tại Syria"đang tồi tệ hơn từng ngày" và đây là "một thảm họa khu vực đang gây chia rẽ toàn cầu". Ông hối thúc triển khai một hành động quốc tế nhằm chấm dứt xung đột hiện nay. Tổng thống Braxin Rousseff cũng cùng chung quan điểm. Bà kêu gọi các bên tại Syria hạ vũ khí và tham gia các nỗ lực trung gian hòa giải của đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arập. Bà Rousseff cũng bác bỏ việc can thiệp quân sự vào Syria, theo đó ngoại giao và đối thoại không chỉ là giải pháp tốt nhất mà còn là duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại đây.

 

Phát biểu tại Hội đồng bảo an LHQ, Đặc phái viên chung LHQ- Liên đoàn Arập (AL) tại Syria Lakhdar Brahimi cho rằng, cuộc xung đột tại Syria ngày càng tồi tệ và đất nước này đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Trong ảnh: Toà nhà bị phá huỷ trong xung đột tại Aleppo ngày 24/9. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Trong khi đó, phương Tây và một số quốc gia Arập lại tận dụng diễn đàn LHQ để gia tăng sức ép lên Syria và Iran. Trong phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc chính quyền Tehran đang hỗ trợ Damascus, đồng thời tuyên bố sẽ "làm những gì phải làm" để ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Pháp Francois Hollande thì kêu gọi LHQ cần "ngay lập tức" đưa ra các biện pháp bảo vệ những khu vực mà lực lượng chống đối tại Syria đang chiếm giữ tại miền Bắc nước này. Ngoài ra, ông Hollande cũng cho biết Paris đang hợp tác với các nước đối tác để thiết lập một vùng cấm bay tại Syria, đồng thời nhắc lại quan điểm rằng cộng đồng quốc tế cần tăng cường trừng phạt Iran hơn nữa. Cũng tại phiên thảo luận, Quốc vương Cata, Hamad bin Khalifa al-Thani đã kêu gọi sự can thiệp quân sự của các nước Ảrập vào Syria. Tuy nhiên, lời kêu goi này đã vấp phải sự phản đối của Ai Cập.

 

Theo kế hoạch, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad sẽ có bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ trong ngày hôm nay 26/9 và đại diện chính phủ Syria dự kiến đăng đàn vào ngày 1/10 tới.

 

ĐHĐ LHQ, gồm 193 quốc gia thành viên, là cơ quan thảo luận, hoạch định chính sách và đại diện chính của LHQ. Đây là diễn đàn duy nhất cho các thảo luận đa phương về một loạt vấn đề quốc tế bao trùm Hiến chương LHQ. Trong phiên khai mạc khóa họp thứ 67 hôm 18/9 vừa qua, Chủ tịch ĐHĐ LHQ, ông Vuk Jeremic đã ấn định chủ đề các cuộc thảo luận năm nay là "điều chỉnh hoặc giải quyết các tranh chấp hay tình hình quốc tế bằng những phương cách hòa bình".

 

 

TTXVN/Tin tức

Kinh tế thế giới lún sâu vào khủng hoảng

Số liệu mới nhất từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng lún sâu hơn vào khủng hoảng. Có chuyên gia nhận định rằng kinh tế toàn cầu sắp rơi vào tình trạng bế tắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN