Kinh tế thế giới lún sâu vào khủng hoảng

Số liệu mới nhất từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng lún sâu hơn vào khủng hoảng. Có chuyên gia nhận định rằng kinh tế toàn cầu sắp rơi vào tình trạng bế tắc.


Khảo sát mới công bố của công ty dữ liệu tài chính Markit cho thấy, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã bất ngờ giảm, cho thấy khu vực đang hướng tới một giai đoạn suy thoái kinh tế trầm trọng hơn, mặc dù thị trường gần đây bớt lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài đã ba năm qua.


Theo khảo sát, PMI theo dõi hoạt động kinh doanh của 17 nước thành viên Eurozone trong tháng 9 đã giảm xuống còn 45,9 điểm từ mức 46,3 điểm của tháng 8 (PMI dưới 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế suy giảm). PMI của Eurozone trong tháng 9 là mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.


Theo các nhà phân tích, kinh tế Eurozone đang giảm với tốc độ nhanh hơn, tình hình của cả khu vực sản xuất và dịch vụ đều xấu đi. Nhà kinh tế James Ashley thuộc RBC Capital Markets cho rằng chỉ số PMI vừa công bố còn báo hiệu rằng kinh tế Eurozone sẽ tiếp tục yếu ớt trong quý cuối năm 2012.


Trong khi đó, tại châu Á, tín hiệu từ hai nền kinh tế hàng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản không mấy khả quan. PMI của Trung Quốc đã giảm liền một mạch 11 tháng trong khi các nhà máy ở nước này vật lộn với mức cầu giảm và hàng hóa không bán được.


Theo số liệu từ ngân hàng HSBC, PMI của Trung Quốc tháng 9 đạt 47,8 điểm, giảm liên tục từ tháng 11/2011, cho thấy những yếu kém của nền kinh tế và mức cầu suy giảm tại một số thị trường xuất khẩu của Trung Quốc.


Ông Qu Hongbin, nhà kinh tế thuộc HSBC, cho rằng hoạt động kinh tế trì trệ trong tháng 9 ở Trung Quốc là do dòng chảy kinh doanh yếu kém và hàng hóa tồn đọng kéo dài hơn dự báo.


Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống còn 7,6% trong ba tháng tính đến tháng 6. Đây là con số tồi tệ nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đạt đỉnh. Số liệu kinh tế yếu kém trong quý III/2012 khiến người ta lo ngại tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm 7 quý liên tiếp. Nhà kinh tế Yao Wei thuộc ngân hàng Societe Generale ở Hồng Công nhận định, khu vực sản xuất của Trung Quốc sẽ chậm hồi phục nếu thiếu các biện pháp kích thích sâu rộng của chính phủ.


Tại Nhật Bản, số liệu chính thức cho thấy nước này tiếp tục thâm hụt thương mại trong tháng 8, tháng thứ hai liên tiếp do xuất khẩu trì trệ. Mức thâm hụt tháng 8 là 754,1 tỷ yên, cao hơn so với mức 518,9 tỷ yên của tháng 7.


Theo nhà kinh tế Junko Nishioka thuộc công ty chứng khoán RBS Nhật Bản, mức thâm hụt cho thấy môi trường kinh tế khó khăn ở các thị trường xuất khẩu. Bà cho rằng bức tranh xuất khẩu toàn cảnh của Nhật Bản sẽ xấu đi và khó có thể hi vọng thay đổi được điều này nhanh chóng.


Kinh tế ở Mỹ cũng trong cảnh ảm đạm khi hàng loạt chỉ số kinh tế hàng đầu trong tháng 8 đều cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới còn yếu ớt. Lượng đơn đặt hàng, chỉ số lòng tin người tiêu dùng và số giờ sản xuất trung bình hàng tuần của Mỹ đều giảm. Kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,7% trong quý II/2012 và nhiều chuyên gia cho rằng tăng trưởng của Mỹ sẽ ở mức yếu trong nửa cuối năm 2012.


Thùy Dương

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN