Thế giới đã ghi nhận trên 412,8 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 14/2 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 412.818.650 ca mắc COVID-19 và 5.836.919 ca tử vong. Số ca hồi phục là 333.427.783 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Hartford, bang Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 79.325.576 ca mắc và 943.411 ca tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với 42.665.534 ca mắc và 509.043 ca tử vong, Brazil với 27.483.031 ca mắc và 638.449 ca tử vong, Pháp với 21.708.827 ca mắc và 134.804 ca tử vong.

Một số nước tại châu Âu và châu Á đang phát đi những tín hiệu của cuộc sống bình thường mới. Theo đó, chính quyền liên bang và các bang ở Đức đang lên kế hoạch bãi bỏ dần nhiều biện pháp phòng dịch COVID-19 từ ngày 20/3, trong bối cảnh làn sóng Omicron được dự báo sẽ giảm xuống trong những tuần tới.

Theo đó, quy định về giới hạn 10 người lớn tại các cuộc gặp mặt riêng tư sẽ được mở rộng với số lượng người tham gia lớn hơn. Quy tắc phòng dịch trong lĩnh vực bán lẻ như 2G-Plus (những người đã tiêm phòng mũi tăng cường; những người đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính được vào các cửa hàng bán lẻ) sẽ được dỡ bỏ. Câu lạc bộ và vũ trường sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 4/3 tới và phải thực hiện quy định 2G-Plus.

Từ ngày 4/3, quy tắc 3G (những người đã tiêm phòng, đã khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính) sẽ được áp dụng tại các nhà hàng và khách sạn; nhiều khán giả hơn sẽ được phép tham dự các sự kiện lớn như các trận bóng đá, hoạt động văn hóa, giải trí với quy tắc 2G hoặc 2G-Plus. Làm việc tại nhà sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc.

Liên quan tình hình dịch COVID-19 tại Đức, trong ngày 14/2, nước này ghi nhận thêm 76.465 ca mắc, giảm 20% so với tuần trước. Tỷ lệ nhiễm trong 7 ngày trên 100.000 dân cũng giảm từ 1.467 người xuống 1.460 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch mở cửa trở lại biên giới với Malaysia vào tháng tới nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành du lịch và kinh tế ở các tỉnh vùng cực Nam nước này. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) cũng như trung tâm điều hành khẩn cấp về du lịch và thể thao vạch ra các biện pháp để mở lại các cửa khẩu ở Songkhla, Yala, Narathiwat và Satun.

Tiếp theo chính sách của Chính phủ Thái Lan lập "bong bóng" du lịch với Malaysia, khách du lịch từ quốc gia láng giềng này sẽ được phép nhập cảnh Thái Lan theo chương trình "Test & Go" (Xét nghiệm và Lên đường) mà không cần cách ly khi đến nước này. Tuy nhiên, du khách vẫn cần phải thực hiện hai lần xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR sau khi đến Thái Lan.

Tại Hàn Quốc, Bộ Giáo dục nước này đang xem xét yêu cầu học sinh mẫu giáo và tiểu học thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 ở nhà trước khi đến trường với tần suất 2 lần/tuần. Yêu cầu này có thể được thực hiện từ tháng 3 tới.

Còn tại Bangladesh, Thủ tướng Sheikh Hasina ngày 13/2 cho biết các cơ sở giáo dục sẽ mở cửa trở lại vào cuối tháng này nếu tình hình dịch COVID-19 được dự báo sẽ có nhiều cải thiện. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN

Chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 14/2 thông báo dự kiến từ tháng 3 tới sẽ nới lỏng quy định cách ly phòng chống dịch COVID-19 để từng bước khôi phục cuộc sống bình thường. Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung cho báo giới biết cơ quan này dự kiến thời gian cách ly sẽ giảm xuống còn 10 ngày trước giữa tháng 3, đồng thời tin tưởng rằng có thể phát hiện mọi ca lây nhiễm trong thời gian này bằng cách xét nghiệm.

Tuy nhiên, tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), đợt bùng phát COVID-19 đang ngày càng trầm trọng, buộc chính quyền đặc khu phải kéo dài thời gian áp dụng quy định tạm ngừng học trực tiếp thêm 2 tuần nữa, đến ngày 7/3.

Phan An (TTXVN)
Mỹ cấp phép cho loại thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể mới
Mỹ cấp phép cho loại thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể mới

Ngày 11/2, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp một phương pháp điều trị COVID-19 bằng kháng thể do công ty dược Eli Lilly phát triển có tên gọi là bebtelovimab.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN