Tháng 6/2018, nhiều người dùng Facebook đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang tại bang California cáo buộc trang mạng xã hội hàng đầu thế giới xâm phạm quyền riêng tư khi chia sẻ những thông tin nhạy cảm gồm ảnh, video và tin nhắn cá nhân với nhiều nhà phát triển ứng dụng và đối tác kinh doanh.
Trong hồ sơ kiện dài 414 trang, các nguyên đơn nêu rõ Facebook đã khiến họ lầm tưởng rằng có thể kiểm soát dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, thực tế “gã khổng lồ” mạng xã hội này đã cho phép hàng nghìn công ty bên ngoài như Airbnb, Lyft và Netflix tiếp cận dữ liệu. Facebook đã đề nghị tòa bác bỏ đơn kiện.
Trong khi bác bỏ một số khiếu nại trong đơn kiện, Thẩm phán tòa án liên bang Mỹ tại California, ông Vince Chhabria cho biết người dùng Facebook có thể tìm cách buộc Facebook phải chịu trách nhiệm trước luật pháp vì đã cho phép các nhà phát triển ứng dụng và đối tác kinh doanh khai thác dữ liệu cá nhân mà chưa được sự cho phép của người dùng.
Ông bác bỏ quan điểm sai trái của Facebook khi cho rằng người dùng không phải chịu tổn thất trên thực tế và “không có lợi ích riêng tư hợp pháp” ở những thông tin họ chia sẻ với bạn bè trên mạng xã hội.
Vụ kiện trên diễn ra sau một loạt bê bối của “đại gia” công nghệ có trụ sở tại California liên quan đến rò rỉ dữ liệu cá nhân. Trong đó, hãng Facebook bị cáo buộc cho phép công ty tư vấn Anh Cambridge Analytics tiếp cận dữ liệu của khoảng 87 triệu người dùng. Sự việc này được cho là bắt đầu từ năm 2015, nhưng chỉ bị phanh phui vào tháng 3/2018.