Thái Lan: Nghiên cứu sửa đổi chính sách đầu tư sau điều chỉnh thuế của OECD

Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI) vừa đưa ra những gói ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp mũi nhọn (S-curve).

Chú thích ảnh
Cửa hàng tại Bangkok, Thái Lan, đóng cửa trong thời gian áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 ngày 12/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

BoI đang tăng tốc tiến trình sửa đổi các chính sách kích thích đầu tư cho phù hợp với những thay đổi của môi trường đầu tư toàn cầu, đồng thời khắc phục những tác động của các chế độ thuế do tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đề xuất trong hội nghị hồi tháng 11/2021. 

Theo Tổng thư ký BoI Duangjai Asawachintachit, các chính sách thúc đẩy đầu tư cần được điều chỉnh để duy trì khả năng cạnh tranh về đầu tư của Thái Lan sau khi OECD có một bước đi mang tính chất quyết định trong việc yêu cầu các doanh nghiệp lớn trên thế giới phải đóng một mức thuế phù hợp hơn.

Trước những thay đổi về chế độ thuế toàn cầu, BoI vừa đưa ra các đặc quyền cao nhất theo quy định của luật pháp Thái Lan, bao gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 8 năm, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu - phát triển (R&D) và phát triển nguồn nhân lực.

Theo bà Duangjai, ngày 7/4, cơ quan này đã đưa ra báo cáo tại cuộc họp lãnh đạo BoI do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì. Tại cuộc họp, các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận về sự cần thiết phải sửa đổi các đặc quyền đầu tư để đồng bộ với những thay đổi về chế độ thuế của OECD. Bà Duangjai cho biết, BoI sẽ đánh giá cấu trúc chính sách ưu đãi đầu tư của mình và nghiên cứu các xu hướng đầu tư toàn cầu để có những điều chỉnh phù hợp. Theo đó, cơ quan này có thể sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung để thu hút đầu tư và duy trì lợi thế cạnh tranh của Thái Lan.

Trước đó, tháng 11/2021, OECD đã đề xuất sẽ áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu ở mức 15% trước năm 2023. Các công ty có tổng thu nhập trên toàn cầu đạt ít nhất 750 triệu euro sẽ phải chịu mức thuế như trên. Chính phủ của các nước nơi đặt công ty mẹ có thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao hơn, tối đa là 15%, nếu các công ty con phải chịu thuế thu nhập dưới 15%. OECD ước tính chế độ thuế mới hàng năm sẽ tạo ra khoảng 150 tỷ USD cho nguồn thu từ thuế trên toàn cầu. 

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng quyết định trên của OECD sẽ khuyến khích các công ty đa quốc gia tái cơ cấu dòng vốn của mình đến các quốc gia mà họ đặt trụ sở chính, tạo ra động lực cho các nền kinh tế ở những nước này.

Duangjai cho biết, hiện BoI vẫn chưa hoàn thành công tác đánh giá tác động của những thay đổi về chế độ thuế của OECD đối với môi trường đầu tư ở Thái Lan, nhưng bước đi trên chắc chắn sẽ tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới.

Hữu Kiên (P/v TTXVN tại Bangkok)
OECD: Biến thể Omicron có nguy cơ tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế toàn cầu
OECD: Biến thể Omicron có nguy cơ tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế toàn cầu

Ngày 1/12, Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Laurence Boone cảnh báo biến thể Omicron có nguy cơ đe dọa đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN