OECD cảnh báo bất bình đẳng tiêm chủng đe dọa hồi phục kinh tế thế giới

Theo đánh giá cập nhật của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, thấp hơn một chút so với kỳ báo cáo trước đó.

Chú thích ảnh
Cảng container ở Hamburg, Đức ngày 14/11/2019. Ảnh: Reuters/TTXVN

Trong báo cáo công bố ngày 21/9, OECD cho rằng phục hồi kinh tế toàn cầu từ đại dịch đang có bước tiến vững chắc, với tỉ lệ tiêm chủng vaccine ở mức cao tại các nền kinh tế phát triển, cho phép nhiều chính phủ các nước này mở cửa trở lại, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đưa cuộc sống dần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, sự lây lan, phát tán của biến thể Delta đã bào mòn phần nào đà phục hồi ở một số nước, buộc OECD phải giảm nhẹ dự báo tăng trưởng, đồng thời đưa ra cảnh báo về mối rạn nứt kinh tế ngày một lớn hơn giữa các nước giàu có, thịnh vượng với thế giới đang phát triển, do tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận vaccine.  

“Cú sốc toàn cầu từng đẩy thế giới vào đợt suy thoái tồi tệ nhất trong một thập kỉ đã là dĩ vãng. Chúng tôi dự đoán phục hồi sẽ đưa trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Nhưng thất bại trong việc phủ rộng vaccine trên toàn thế giới sẽ là nguy cơ đối với tất cả các nước”, Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD nêu quan điểm.

OECD dự báo sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ tăng 5,7% trong năm 2021, giảm 0,1% so với dự báo trước mà tổ chức này đưa ra vào tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 là 4,5%, tăng 0,1% so với dự báo trước đó. Theo OECD, giữa các quốc gia vẫn tồn tại những cách biệt về tăng trưởng và việc làm, đặc biệt nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp đang bị tụt lại khá xa.

OECD hạ mạnh dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 6,9% xuống 6% trong năm 2021, nhưng lại tăng dự báo tăng trưởng của Khu vực Đồng tiền chung châu ÂU (eurozone), được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm 2021, cao hơn mức dự báo hồi tháng 5 là 4,3%. Dù vậy, tăng trưởng trong eurozone sẽ không đồng đều. Pháp, Italy và Tây Ban Nha thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong khi kinh tế Đức sẽ tăng trưởng chậm hơn.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 8,5% trong năm nay trước khi suy yếu xuống còn 5,8% trong năm 2022. Triển vọng tại Ấn Độ cũng rất sáng sủa: GDP được dự báo tăng 9,7% năm 2021 và 7,9% trong năm 2022 bất chấp việc nước này vừa trải qua làn sóng COVID-19 tồi tệ với sự xuất hiện của biến thể Delta.

Ở chiều ngược lại, những nước có độ che phủ vaccine ngừa COVID-19 thấp có xu hướng bị tụt lại. Indonesia, nước hiện mới tiêm vaccine đủ liều cho 16% dân số, sẽ chỉ có được mức tăng trưởng khiêm tốn là 3,7% trong năm nay, mức thấp nhất trong số các thành viên OECD. Tăng trưởng GDP của Nga trong năm nay cũng chỉ ở mức là 2,7%, trong bối cảnh mới chỉ có khoảng 30% người dân Nga tiêm đủ liều vaccine

OECD đánh giá tác động kinh tế do tình trạng dịch bệnh lây lan mạnh với sự xuất hiện của biến thể Delta ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao hiện nay là khá nhẹ. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, biến thể này đã làm giảm động lực hồi phục kinh tế và gia tăng áp lực lên các chuỗi cung ứng và chi phí toàn cầu. Theo OECD, hoạt động luân chuyển ở các nước châu Á-Thái Bình Dương đã chậm lại đáng kể do các biện pháp hạn chế được áp dụng trở lại để ngăn chặn đà lây lan của biến thể Delta.

OECD nhấn mạnh tốc độ triển khai tiêm vaccine phòng bệnh càng nhanh, tiết kiệm hộ gia đình giảm càng mạnh thì nhu cầu sẽ càng cao và tỷ lệ thất nghiệp sẽ càng thấp, nhưng các yếu tố này sẽ tạo đà đẩy áp lực lạm phát trong ngắn hạn. Ngược lại, tiêm chủng càng chậm và các biến thể mới tiếp tục xuất hiện thì quá trình phục hồi kinh tế sẽ càng yếu đi trong khi sẽ có thêm nhiều người lao động thất nghiệp.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (NYT)
OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo hồi phục bấp bênh
OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo hồi phục bấp bênh

Ngày 21/9, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo tiến trình phục hồi kinh tế thế giới đang diễn ra không chắc chắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN