Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo về "tình trạng dễ tổn thương" của các nền kinh tế khác trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan mạnh.
Theo báo cáo, DESA dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 5,4% thay vì mức 4,7% như dự báo đưa ra hồi tháng 1/2021. Đây là mức tăng đáng kể trong bối cảnh năm 2020, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 3,6%. Theo DESA, sở dĩ cơ quan này cập nhật thay đổi dự báo như vậy trong báo cáo giữa năm 2021 là do hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, DESA nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của Trung Quốc từ 7,2% lên 8,2% và của Mỹ từ 3,4% lên 6,2%. Tuy vậy, báo cáo của DESA cũng lo ngại rằng trong khi triển vọng tăng trưởng toàn cầu được cải thiện thì việc số ca nhiễm COVID-19 tăng, cũng như việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn diễn ra chậm chạp tại nhiều quốc gia đang đe dọa tới sự phục hồi trên diễn rộng của kinh tế thế giới.
Báo cáo của DESA lưu ý rằng đối với nhiều quốc gia nhỏ, đại dịch còn lâu mới chấm dứt. Cùng với đó, số ca nhiễm mới trong tháng 4/2021 cao hơn số ca nhiễm được công bố trong giai đoạn đỉnh dịch vào tháng 12/2020. Theo báo cáo, với tình trạng nguy hiểm của đại dịch được dự báo kéo dài, cũng như các dư địa tài chính không còn nhiều, các quốc gia dễ bị tổn thương nhất của thế giới đang đối mặt với viễn cảnh một thập kỷ suy thoái chưa từng thấy.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế của một vài quốc gia tại khu vực Nam Á, châu Phi cận Sahara, cũng như khu vực Mỹ Latinh và Caribe vẫn "mong manh" và không ổn định. Đối với nhiều nước phát triển, triển vọng kinh tế chỉ được dự báo quay trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022 hoặc 2023.
Theo nhà kinh tế trưởng của Liên hợp quốc Elliott Harris, sự bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine giữa các nước đang đặt ra nguy cơ đối với sự phục hồi không đồng đều và dễ tổn thương của nền kinh tế toàn cầu. Việc tiếp cận vaccine ngừa đại dịch COVID-19 kịp thời và rộng rãi sẽ tạo ra ý nghĩa khác biệt giữa việc chấm dứt đại dịch và giúp thế giới quay trở lại quỹ đạo phục hồi hoặc thế giới sẽ mất đi các cơ hội, cũng như mất nhiều năm để tăng trưởng trở lại.
Báo cáo cũng nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đối với nữ giới nhiều hơn khi trong 114,4 triệu người sống ở mức nghèo khó cùng cực chịu tác động của đại dịch thì trong đó 57,8 triệu người là phụ nữ. Ngoài ra, tỉ lệ nữ giới mất đi công việc và thu nhập cũng nhiều hơn so với nam giới.