Thách thức với các nước châu Âu trong việc duy trì quân nhân tại ngũ

Khi châu Âu tái vũ trang trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine, họ gặp thách thức là làm cho lực lượng vũ trang trở nên hấp dẫn – điều khó thực hiện trong thời điểm tỷ lệ thất nghiệp thấp, sự cạnh tranh khốc liệt từ khu vực tư nhân và việc áp dụng rộng rãi hình thức làm việc từ xa.

Chú thích ảnh
Binh sĩ tham gia cuộc tập trận LUX 23 tại Les Geneveys-sur-Coffrane, Thụy Sĩ, ngày 4/5/2023. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo tờ Politico châu Âu ngày 18/3, việc tuyển mộ binh lính mới với châu Âu hiện không còn quan trọng bằng việc thuyết phục quân nhân đang phục vụ không xuất ngũ.

Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu đã trình bày một kế hoạch “giữ chân nhân tài” nhằm khuyến khích quân nhân tiếp tục phục vụ trong lực lượng vũ trang.

Điều đó xảy ra vài ngày sau khi một báo cáo thường niên trình lên Quốc hội Đức cho thấy vào năm 2023, khoảng 1.500 binh sĩ đã xuất ngũ khỏi quân đội nước này, giảm quân số phục vụ xuống còn hơn181.500 nhân sự.

Ông Lecornu cho biết: “Những cuộc thảo luận về vấn đề đó hiện tồn tại ở tất cả các nước châu Âu, thậm chí ở tất cả các nền dân chủ có quân đội chuyên nghiệp không cần chế độ nhập ngũ bắt buộc”, đề cập đến cả Anh và Mỹ.

Ông Lecornu nói thêm: “Tại các cuộc họp của NATO, chúng tôi có thể nói về trang thiết bị, nhưng bây giờ chúng tôi cũng nói cả về việc giữ lại nhân viên quân sự”.

Khi châu Âu tái vũ trang trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine, các quốc gia như Croatia đang cân nhắc việc đưa trở lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Những nước khác, như Đan Mạch, có kế hoạch tăng quân sự và yêu cầu cả phụ nữ nhập ngũ. Đức đã bãi bỏ nghĩa vụ quân sự vào năm 2011, nhưng do nhiều người trong quân đội đã hết thời hạn phục vụ nên lại có cuộc thảo luận mới về việc áp dụng lại một số hình thức thực hiện nghĩa vụ quốc gia.

Đối với các quốc gia dựa vào quân đội chuyên nghiệp, thách thức là làm cho lực lượng vũ trang trở nên hấp dẫn – điều khó thực hiện trong thời điểm tỷ lệ thất nghiệp thấp, sự cạnh tranh khốc liệt từ khu vực tư nhân và việc áp dụng rộng rãi hình thức làm việc từ xa.

Không chỉ về tiền

Ở Pháp, quân nhân ở lại lực lượng vũ trang trung bình ngày càng thấp so với trước đây. Ở Anh, hàng năm thiếu hụt 1.100 binh sĩ - tương đương với hai tiểu đoàn bộ binh - mặc dù chính phủ đã ký hợp đồng tuyển dụng với công ty tư nhân Capita.

Tiền lương đóng vai trò quan trọng trong việc khiến mọi người ở lại. Một trong những biện pháp hàng đầu trong kế hoạch của Pháp là tăng thu nhập bằng cách bổ sung thêm các khoản tiền thưởng; lương cũng ngày càng được tăng lên. Nhưng vấn đề là các điều khoản dịch vụ không mấy hấp dẫn, với việc thường xuyên phải làm thêm giờ, vắng nhà hàng tháng trời và không có thời gian phục hồi sức khỏe.

“Vấn đề không phải là tuyển dụng mà là giữ chân”, Đô đốc Lisa Franchetti, người đứng đầu các hoạt động hải quân của Hải quân Mỹ, cho biết tại một hội nghị ở Paris hồi đầu năm nay.

Tại Ba Lan, chính phủ mới hồi đầu năm nay đã công bố tăng lương khoảng 20% ​​trong nỗ lực giữ chân quân nhân trong quân đội. Mức lương tối thiểu hàng tháng cho một người lính đang tăng từ 4.960 złoty (1.150 euro) lên 6.000 złoty. Để ứng phó với cuộc xung đột ở Ukraine, quân đội Ba Lan đã tăng từ 95.000 quân năm 2015 lên 215.000 quân trong năm nay.

Kế hoạch của Pháp cũng bao gồm hỗ trợ tìm nhà ở và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chăm sóc trẻ em. Các cặp vợ chồng đều có thể làm việc trong lực lượng vũ trang, ngay cả khi một người làm trong lĩnh vực dân sự và có thể chuyển chức vụ cùng nhau.

Ông Lecornu nói: “Chúng tôi thà tuyển dụng ít hơn để cải thiện khả năng giữ chân còn hơn là tiếp tục tuyển dụng rầm rộ trong đó số lượng người ở lại liên tục giảm”.

Ở Đức, như một phần trong nỗ lực tăng cường quốc phòng, chính phủ muốn nâng số lượng quân nhân lên 203.000 vào đầu những năm 2030 - nhưng việc tuyển dụng vẫn hạn chế.

Ủy viên đặc biệt của Quốc hội Đức về lực lượng vũ trang, Eva Högl, đã nói rằng việc khôi phục một số hình thức nghĩa vụ quân sự là một cách để xoay chuyển tình thế, nhưng nhắm mục tiêu vào phụ nữ là một động thái rõ ràng hơn để ngăn chặn sự suy giảm vì tiềm năng này “còn lâu mới cạn kiệt”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)
Tương lai của khí đốt Nga ở châu Âu
Tương lai của khí đốt Nga ở châu Âu

EU đã bước sang một giai đoạn mới trong quá trình giảm phụ thuộc khí đốt Nga, xoa dịu lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN