Trao đổi với báo giới, Phó Tư lệnh Salami nhận định bất chấp việc Anh, Pháp và Đức khẳng định vẫn duy trì thỏa thuận, "châu Âu không thể hành động độc lập về thỏa thuận hạt nhân". Quan chức này cho rằng những quốc gia chống lại Iran đang muốn gây sức ép đối với nước này bằng cách cô lập kinh tế, đồng thời nhấn mạnh "phản kháng là cách duy nhất đối mặt với kẻ thù, không phải ngoại giao".
Trước đó, Anh, Pháp và Đức đã tiến hành một chiến dịch thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran với lập luận rằng đây là phương án hiệu quả nhất để ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại khi ông Trump ngày 8/5 tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt vốn đã được nới lỏng để Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng ngày, hãng Interfax dẫn phát biểu của Thứ trưởng Nga Sergei Ryabkov khẳng định cam kết của Moskva trong việc tiếp tục tăng cường quan hệ sâu sắc với Tehran bất chấp việc Mỹ rút khỏi JCPOA và áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó đã bày tỏ "vô cùng thất vọng" trước quyết định của Tổng thống Trump, cho rằng Mỹ đang hủy hoại niềm tin quốc tế vào Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Moskva cũng khẳng định sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân, đồng thời sẽ tiếp tục tích cực phát triển quan hệ song phương với Iran.
Sau thỏa thuận hạt nhân Iran được ký ngày 14/7/2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), các doanh nghiệp phương Tây đã đổ xô vào thị trường 80 triệu dân gần như chưa được khai thác này của Iran.
Ngoài các hợp đồng máy bay trị giá hàng tỷ USD, Iran cũng ký kết nhiều thỏa thuận giá trị lớn về khai thác giàu mỏ và chế tạo ô tô với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy nhiên, trước việc Mỹ rút khỏi JCPOA và cảnh báo sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt, các tập đoàn này đều cho biết sẽ phải xem xét lại kế hoạch làm ăn với Iran.