Iran sẽ trả đũa Mỹ như thế nào khi thỏa thuận hạt nhân bị 'xé bỏ'

Một số lợi ích của Washington và đồng minh ở Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng từ màn trả đũa của Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Tổng thống Donald Trump (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Getty

Ngày 8/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ không tiếp tục tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran được ký vào năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1. Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 21/4 khẳng định Iran đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc Mỹ có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân cùng nhiều quan chức đe dọa sẽ trả đũa hành động này của Mỹ.

Dưới đây là một số lợi ích của Washington và đồng minh ở Trung Đông mà Iran có thể nhằm vào khi có hành động trả đũa. Hãng thông tấn Reuters đã tổng hợp một số kịch bản.

Iraq

Khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xâm chiếm Iraq năm 2014, Iran nhanh chóng hỗ trợ chính quyền Baghdad. Kể từ đó Iran luôn cung cấp vũ khí và đào tạo hàng nghìn binh sĩ dòng Shi’ite ở Iraq. Lực lượng tập hợp nhân dân (PMF) được coi là lực lượng chính trị chủ chốt.

Khi thỏa thuận hạt nhân bị xé bỏ, Iran có thể góp phần khiến một bộ phận PMF – những người muốn Mỹ rời khỏi Iraq – vùng lên và có thể tấn công lực lượng Mỹ tại đây. Những vụ tấn công bằng rocket, đánh bom, gài mìn trên các tuyến giao thông không liên quan trực tiếp tới một tổ chức quân sự Shi’ite cụ thể, từ đó cho phép Iran bác bỏ mọi trách nhiệm.

Syria

Theo các hãng tin tại Trung Đông, Iran và các tổ chức mà nước này hậu thuẫn như Phong trào Hezbollah của Liban được cho là tham chiến tại Syria từ năm 2012. Iran cũng cung cấp vũ khí và đào tạo hàng nghìn chiến binh tộc người Shi’ite để chiến đấu cùng Chính phủ Syria. Sự hiện diện của Iran tại Syria đã đẩy Tehran vào cuộc đối đầu trực tiếp với Israel lần đầu tiên, với một loạt vụ xung đột khốc liệt trong nhiều tháng trở lại đây. Giới chức Israel cho biết họ sẽ không bao giờ để Tehran hay Phong trào Hezbollah thiết lập hiện diện quân sự vĩnh viễn tại Syria.

Sau khi thỏa thuận đổ vỡ, Iran sẽ càng có ít lí do hơn để ngừng các cuộc tấn công nhằm vào Israel khi đang ở trên đất Syria. Iran và lực lượng nước này kiểm soát tại Syria cũng có thể gây khó khăn cho khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ đang được triển khai tại phía Bắc và Đông Syria trong hoạt động hỗ trợ binh sĩ người Kurd.

Liban

Năm 2006, Phong trào Hồi giáo Hezbollah đối đầu với Israel trong một cuộc chiến biên giới kéo dài 34 ngày. Theo giới chức Mỹ và Israel, hiện Iran đang giúp tổ chức này xây dựng nhà máy để sản xuất tên lửa dẫn đường và tên lửa tầm xa.

Lực lượng Israel cũng liên tục tấn công các tay súng Hezbollah tại Syria. Mâu thuẫn giữa Israel và Iran cũng trở nên căng thẳng trong một vài tuần trở lại đây. Mặc dù cả Hezbollah và Israel đều khẳng định không hứng thú với một cuộc xung đột, nhưng căng thẳng có thể dễ dàng được đẩy cao và kéo theo một cuộc chiến khác tại Liban. Xu thế này đang ngày càng trở thành sự thật khi mà Israel trong mấy ngày qua đã liên tục nã tên lửa vào các vị trí tại Syria mà Tel Aviv nghi là của Iran.

Hezbollah và các đồng minh Shi'ite ngày 7/5 đã giành được hơn 50% số ghế tại quốc hội Liban. Hiện tại, tổ chức này vẫn đang hợp tác trong hòa bình với các đối thủ chính trị khác, trong đó có Thủ tướng Saad Al Hariri được phương Tây hậu thuẫn.

Các chuyên gia nhận định một khi thỏa thuận bị xé bỏ, Iran có thể gây sức ép để Hezbollah cô lập các phe phái chính trị đối lập.

Thỏa thuận hạt nhân

Iran cũng có nhiều phương án liên quan trực tiếp tới chương trình hạt nhân. Giới chức Iran từng tiết lộ một phương án họ đang cân nhắc là rút hoàn toàn khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). 

Thủ lĩnh tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này không hứng thú với việc phát triển vũ khí hạt nhân, song nếu Iran rút khỏi NPT, điều này thực sự là một hồi chuông báo động toàn cầu.

Thậm chí nếu Iran không rút khỏi NPT, thì quốc gia này cũng cho thấy ý định sẽ đẩy mạnh làm giàu urani – một nhiên liệu được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử. Theo thỏa thuận hiện tại, mức làm giàu urani trong giới hạn cho phép của Iran là 3,6%. Nếu không bị hạn chế, Iran có thể làm giàu urani ở cấp cao hơn thời điểm trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết, và làm tăng nỗi lo quốc gia này có thể sản xuất vũ khí hạt nhân.

Với diễn biến hiện tại, các nhà phân tích cho rằng chúng ta phải chờ xem hành động của Iran có bị ảnh hưởng từ động thái của các quốc gia còn lại cùng ký kết thỏa thuận hạt nhân hay không. Điều đó phụ thuộc vào: Pháp, Anh và Đức có tiếp tục trao đổi thương mại với Iran hay không, mức độ hỗ trợ ngoại giao của Nga, và Trung Quốc coi Iran quan trọng đến đâu trong sáng kiến Vành đai và Con đường.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Sếu bố chặn đường, không cho cá sấu bén mảng gần sếu con
Sếu bố chặn đường, không cho cá sấu bén mảng gần sếu con

Để bảo vệ gia đình nhỏ, một chú sếu đã xòe rộng đôi cánh làm "lá chắn sống" hiên ngang ngăn con cá sấu đang đến gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN