Tâm lý 'bài phương Tây' gia tăng tại Gruzia

Báo Độc lập (Nga) ngày 31/3 dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố rằng NATO sẽ không tiếp tục "ném tiền qua... hai cửa sổ Ukraine và Gruzia nữa". Do đó, trên tư cách là Tổng thống Mỹ, ông quyết định đặt dấu chấm hết cho giấc mơ kéo dài từ nhiều thập kỷ qua của hai quốc gia trong không gian hậu Xô viết nói trên, vốn có mối quan hệ bất hòa nhất với Nga. Có lẽ lúc này là thời điểm đặt dấu chấm hết hoặc là dấu chấm lửng.

Tuyên bố trên đã không làm Kiev bị tổn thương. NATO chưa bao giờ là niềm khao khát thật sự của Ukraine. Các cuộc thăm dò dư luận với nhiều thành phần xã hội Ukraine tham gia cho thấy phần lớn người được hỏi đều chống lại việc nước này gia nhập NATO. Và nếu Kiev có thường nói về việc trở thành thành viên NATO, thì điều đó cũng chỉ nhằm "chọc giận" Moskva mà thôi, chứ thực chất Kiev không mơ ước trở thành thành viên của khối này.

Tuy nhiên, đối với Gruzia, đây lại là một chuyện khác. Tuyên bố của Tổng thống Obama thực sự là một thất bại trong chính sách đối ngoại muốn gia nhập NATO của Gruzia, một mục tiêu mà nước này đã đặt ra kể từ năm 2003, sau cái gọi là sự thắng lợi của cuộc Cách mạng Hoa hồng. Chính từ dưới thời vị cựu Tổng thống thân Mỹ Mikhail Saakashvili, ngay trước khi xảy ra thảm kịch năm 2008, thì Gruzia cũng đã viện hàng loạt lý do để quay lưng lại với Moskva, và nước này đã chọn lựa đích đến là phương Tây.

Năm này qua năm khác, Gruzia đã "chỉn chu" hoàn thiện mình, đáp ứng mọi điều kiện để có thể trở thành thành viên NATO. Chương trình đối tác với NATO đã thay đổi ở các cấp độ cao hơn. Cụ thể, quân đội Gruzia tham gia hàng loạt chiến dịch đặc biệt của NATO ở Kosovo, Iraq và Afghanistan. Đặc biệt, số quân nhân Gruzia tham chiến tại Afghanistan nhiều thứ hai trong số các nước điều quân đến đây và chỉ đứng sau Mỹ. Và việc hàng chục thanh niên Gruzia bỏ mạng tại chiến trường Afghanistan đã thực sự trở thành một thảm kịch của quốc gia này. Các quan chức NATO đã nhiều lần đến thăm Tbilisi, họ cảm ơn sự đóng góp quân lực của Gruzia cho các chiến dịch của NATO và khẳng định rằng việc kết nạp Gruzia vào NATO chỉ còn là vấn đề thời gian.

Gruzia hiện là nước ngoài NATO đóng góp lớn nhất cho lực lượng đa quốc gia tại Afghanistan.


Chính quyền mới ở Gruzia cũng tiếp tục đường lối thân phương Tây. Họ tuyên bố ưu tiên hàng đầu là hội nhập NATO. Theo kế hoạch, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 9 tới ở xứ Wales (Anh), Gruzia sẽ được trao Kế hoạch hành động thành viên (MAP), một thủ tục bắt buộc cuối cùng trước khi một quốc gia muốn gia nhập NATO.

Sự kiện chính biến ở Ukraine, việc Crimea (Crưm) tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga như một chủ thể liên bang đã thức tỉnh Gruzia. Cùng với sự lo ngại, Tbilisi vội vã hối thúc Brussels tăng tốc thủ tục kết nạp họ, và bỏ qua cho họ không phải thực hiện thủ tục bắt buộc cuối cùng là được trao MAP. Tbilisi hy vọng "bài học nhỡn tiền Ukraine" sẽ giúp giới chức Paris và Berlin, hai quốc gia chủ chốt phản đối việc vội vàng kết nạp Gruzia, thay đổi thái độ. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Thậm chí còn trái ngược.

Tbilisi đã lường trước rất có thể phải đối mặt với "sự phản bội", cho dù dường như tuyên bố của ông Obama là một sự cân nhắc có tính chiến thuật. Cụ thể Mỹ mong muốn làm dịu bớt căng thẳng trong không gian hậu Xô viết, giống như thời điểm giải tán khối Varsava, phương Tây cũng dùng "chiến thuật" cam kết không mở rộng NATO về phía Đông. Thời gian trôi qua, và giờ đây biên giới NATO chỉ còn cách nước Nga đúng "vùng đệm" Ukraine. Và đây là lý do để Moskva không còn tin vào tuyên bố của ông Obama. Nó cũng là lý do để Tbilisi tiếp tục nuôi hy vọng.

Bài báo kết luận, trong bối cảnh của câu chuyện Ukraine, các lực lượng thân Nga và ủng hộ mối liên kết Á - Âu đang gia tăng tại Tbilisi. Tuyên bố của Tổng thống Obama càng tạo động lực cho lực lượng này. Họ lý luận: rõ ràng phương Tây không cần Gruzia; họ chỉ cần Gruzia như một vùng đất để đặt căn cứ quân sự và dùng thanh niên Gruzia như lính đánh thuê không công; phương Tây và NATO hầu như hỗ trợ Gruzia rất ít trong cuộc chiến hồi năm 2008 với Nga; phương Tây cũng không vội vã mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa Gruzia, trong khi Nga đã sẵn sàng làm việc đó. Các lực lượng xã hội ủng hộ Nga ở Gruzia đặt câu hỏi: Gruzia làm bạn với ai sẽ có lợi hơn- phương Tây hay là Nga?


Quế Anh
Gruzia lo sợ trước bài học từ Ukraine?
Gruzia lo sợ trước bài học từ Ukraine?

Sự kiện ở Ukraine chắc chắn khiến không ít quốc gia ủng hộ Phương Tây sợ hãi. Điều này được thể hiện khá rõ trước việc Gruzia mới đây lên tiếng đề nghị được NATO bảo vệ bằng cách tiếp nhận quốc gia này ngay lập tức. Và cho dù đã nhận được lời hứa từ phía Mỹ, liệu Grudia đã có thể yên tâm?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN