Đây là một phép thử xem liệu các nước giàu và các nước nghèo hơn có thể tháo gỡ sự bế tắc trong vấn đề nguồn tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi phí hậu.
Anh, nước chủ nhà của Hội nghị COP26, một lần nữa sẽ tiên phong với tuyên bố 290 triệu bảng (391 triệu USD) nguồn quỹ mới, trong đó có hỗ trợ cho các nước ở châu Á – Thái Bình Dương giải quyết tác động của việc Trái đất ấm lên. Anh cho biết khoản quỹ mới này được đưa ra bên cạnh “hàng tỷ USD nguồn quỹ quốc tế bổ sung” mà các nước giàu như Mỹ, Nhật Bản và Đan Mạch đã cam kết để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương có thể thích nghi và nâng cao “sức đề kháng” trước biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong khi các nước đang phát triển muốn nhiều tiền hơn để giúp họ thích nghi với sự gia tăng trong nhiệt độ Trái Đất, vốn đã khiến hạn hán, lũ lụt và cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, thì các nước phát triển lại khuyến khích sử dụng tài chính được hỗ trợ vào việc cắt giảm khí thải.
Các nước chỉ còn năm ngày nữa tại Hội nghị COP26 để đạt được các thỏa thuận cần thiết nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Sau khi bị các nước đang phát triển cáo buộc đã phá vỡ những cam kết trước đó, các nước phát triển muốn thể hiện rằng họ có thể thực hiện được những cam kết này.
Nhưng các nước đang phát triển sẽ thận trọng hơn. Tại một hội nghị về khí hậu của Liên hiệp quốc (LHQ) 12 năm trước tại Copenhagen, Đan Mạch các nước giàu đã cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển 100 tỷ USD/năm đến năm 2020 để giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu đó đến giờ vẫn chưa đạt được. Và tại Hội nghị COP26, các nước phát triển lại cho biết họ sẽ đạt được mục tiêu trên chậm nhất là vào năm 2023.