Hội nghị COP26: Mỹ kêu gọi các nước đẩy mạnh phát triển phong điện

Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Deb Haaland ngày 4/11 kêu gọi các quốc gia đồng hành với Mỹ đề ra các mục tiêu tham vọng mở rộng sản xuất điện từ gió ngoài khơi, qua đó hỗ trợ nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Deb Haaland. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow, Scotland (Anh), bà Haaland nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang triển khai hành động quyết liệt nhằm thúc đẩy năng lượng sạch vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn. Bà Haaland cho rằng tất cả các quốc gia cần đề ra mục tiêu tham vọng trong phát triển phong điện, cũng như cần cam kết huy động mọi nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu đó.

Chính quyền Tổng thống Biden trong năm nay đã thúc đẩy các dự án phong điện ngoài khơi tại Mỹ, coi đó là một phần trọng tâm trong kế hoạch cắt giảm khí thải carbon ở lĩnh vực năng lượng vào năm 2035 trong nỗ lực ứng phó với vấn đề ấm lên toàn cầu.

Nhà trắng đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 triển khai một hệ thống phong điện dọc bờ biển nước Mỹ có công suất 30 gigawatt (GW), đủ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện của 10 triệu hộ gia đình.
Bà Haaland nêu rõ thúc đẩy phát triển phong điện là ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Washington sẽ tìm mọi cách để triển khai.

Nhân dịp diễn ra Hội nghị COP26, có nhiều báo cáo khoa học được đưa ra, trong đó cảnh báo tình trạng ấm lên của Trái Đất ngày càng nghiêm trọng, đòi hòi các nước có cam kết và hành động cụ thể để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm và chuyển đổi năng lượng xanh. Phong điện là một trong 5 nguồn năng lượng sạch đang được khai thác, phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, cùng với thủy điện, điện sinh khối, địa nhiệt và điện mặt trời.

Hoàng Châu (TTXVN)
Hội nghị COP26: Các quốc gia Trung Mỹ tìm kiếm sự trợ giúp chung
Hội nghị COP26: Các quốc gia Trung Mỹ tìm kiếm sự trợ giúp chung

Các nước Guatemala, Honduras và Nicaragua - 3 trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất chịu tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu - đã cùng nhau lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ nhiều hơn của cộng đồng quốc tế để ứng phó với các tác động ngày càng khắc nghiệt của khí hậu, vốn đang làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói tại khu vực Trung Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN