Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, 3 quốc gia Trung Mỹ nói trên nằm trong danh sách của Mỹ gồm 11 quốc gia và 2 khu vực trên thế giới có nguy cơ cao hơn và khả năng thích ứng với khủng hoảng khí hậu kém hơn các nước khác trên thế giới. Trong danh sách này còn có Haiti, nơi hàng chục nghìn người đang chạy trốn sự tàn phá do động đất, bão và bạo lực, tìm cách vượt qua Trung Mỹ để đến Mỹ. Cuộc khủng hoảng khí hậu tại khu vực Trung Mỹ cũng tác động mạnh đến El Salvador cũng như Panama và Costa Rica, những quốc gia được công nhận là "giảm thiểu phát thải CO2".
Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Anh, Chính phủ Guatemala cho biết các quốc gia Trung Mỹ đưa ra lập trường thống nhất kêu gọi quốc tế tăng cường sự trợ giúp. Guatemala hiện giữ chức chủ tịch tạm thời của Ủy ban Môi trường và Phát triển Trung Mỹ (CCAD), một cơ quan của Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA), bao gồm Belize, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua và Panama.
Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên Guatemala, ông Mario Rojas Espino cho biết CCAD sẽ đề xuất COP26 thông qua một tuyên bố cho Trung Mỹ, khẳng định rằng đây là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, vì các quốc gia SICA chỉ phát thải 0,35% lượng khí phát thải toàn cầu gây hiệu ứng nhà kính.
Phó Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Piedad Martín, đánh giá khu vực Trung Mỹ ghi nhận mức độ phá rừng rất cao, khiến các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt trở thành thảm họa và ảnh hưởng đến rất nhiều mức độ nghèo đói và suy dinh dưỡng. Thống kê cho thấy Guatemala đã mất gần 1/4 diện tích rừng kể từ đầu thế kỷ 21 và hơn 25% trong số 38 lưu vực sông bị ô nhiễm trong khi Honduras, quốc gia rộng 112.492 km2, mất từ 60.000 đến 80.000 ha rừng/năm. Trong khi đó, El Salvador chỉ còn 3% rừng tự nhiên nguyên vẹn, nhiều khu vực đất đai bị hủy hoại bởi các hoạt động nông nghiệp không phù hợp và hơn 90% nước mặt bị ô nhiễm.
Lở đất, lũ lụt khiến nhiều người thiệt mạng; mùa màng bị tàn phá; sông cạn; mưa lớn, di cư... là những hậu quả do khủng hoảng khí hậu ở Trung Mỹ trong những năm gần đây. Ước tính, thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 44 tỷ USD đối với khu vực Trung Mỹ trong 4 năm qua.