Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong tuyên bố, các nước nêu rõ thỏa thuận này giúp đảm bảo "sự chuyển đổi công bằng" cho nền kinh tế của Nam Phi - vốn phụ thuộc vào than đá. Các nhà tài trợ sẽ cung cấp khoản tiền ban đầu, trị giá 8,5 tỷ USD trong từ 3 đến 5 năm tới, thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi, các khoản đầu tư và các công cụ chia sẻ rủi ro. Thỏa thuận, đi kèm với hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt tập trung vào việc chuyển đổi hệ thống sản xuất điện của Nam Phi.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã hoan nghênh thỏa thuận, coi đây là minh chứng cho thấy với sự hỗ trợ của các nền kinh tế phát triển, nước này vừa có thể thực thi hành động biến đổi khí hậu đầy tham vọng, vừa có thể tăng cường an ninh năng lượng, tạo công ăn việc làm và khai thác các cơ hội mới về đầu tư.
Trước đó, trong cuộc họp báo cuối tháng 9 tại thành phố Johannesburg, Tổng thống Ramaphosa cho biết các quốc gia trong khu vực phía Nam sa mạc Sahara cần khoảng 197,7 tỷ USD để thực hiện chương trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Theo ông, nếu nhận được tài trợ của các quốc gia giàu có, việc chuyển sang năng lượng tái tạo tại khu vực này sẽ được tiến hành nhanh hơn.
Tại hội nghị COP26, Nam Phi - quốc gia phát thải carbon cao nhất trong khu vực và đang là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 12 trên thế giới, đã trình bày các đề xuất và mục tiêu đầy tham vọng đã được thống nhất giữa chính phủ và ngành công nghiệp. Trong bối cảnh Nam Phi đang chịu áp lực cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá - chiếm hơn 80% sản lượng điện của cả nước, chính phủ nước này kêu gọi nguồn tài chính hỗ trợ để tạo điều kiện chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.