Thỏa thuận COP26 'vắng mặt' nhiều nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới

Nhiều nước phụ thuộc vào than nhất thế giới lại “vắng mặt” trong cam kết chấm dứt việc sử dụng điện được sản xuất từ than và ngừng xây dựng các nhà máy điện than. Sự thiếu vắng của Trung Quốc, Ấn Độ và Australia đã phủ bóng lên nỗ lực giành được sự ủng hộ toàn cầu đối với thỏa thuận trên.

Indonesia, Ba Lan, Việt Nam và nhiều nước khác ngày 4/11 đã cam kết sẽ chấm dứt việc sử dụng điện được sản xuất từ than và ngừng xây dựng các nhà máy điện than. Nhưng thỏa thuận này tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) lại không nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước tiêu thụ than hàng đầu khác. 

Chú thích ảnh
Khói bốc lên từ một nhà máy điện than ở bang Tây Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

23 quốc gia đã đưa ra các cam kết khí hậu mới trong thỏa thuận nói trên, một động thái mà Chủ tịch Hội nghị COP26, ông Alok Sharma, cho là sẽ đưa thế giới đến gần với việc ngừng sử dụng than.

Các bên tham gia ký thỏa thuận COP26 đã nhất trí loại bỏ việc sản xuất điện từ than vào những năm 2030 ở các nước giàu và những năm 2040 tại các nước nghèo hơn. Phần lớn các nước cũng cam kết tránh đầu tư vào các nhà máy than mới ở trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, nhiều nước phụ thuộc vào than nhất thế giới lại “vắng mặt” trong cam kết đẩy loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất này lùi vào quá khứ. Sự thiếu vắng của Trung Quốc, Ấn Độ và Australia đã phủ bóng lên nỗ lực giành được sự ủng hộ toàn cầu đối với thỏa thuận trên.

Trung Quốc chiếm khoảng 54,3% lượng than tiêu thụ trên toàn thế giới trong năm 2020, trong khi con số này của Ấn Độ là 11,6%, và của Mỹ, cũng là một nước không tham gia vào thỏa thuận trên, là 6,1%, theo báo cáo thống kê về năng lượng thế giới năm 2021 của Tập đoàn BP.

Các cam kết đưa ra trong thỏa thuận COP26 không có tính ràng buộc, và nhiều bên ký kết cũng cho biết họ sẽ không thể loại bỏ than nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ các nước khác. Anh cho biết đến nay, Hội nghị COP26 đã huy động được khoảng 20 tỷ USD để giúp các nước loại bỏ than. Anh cũng hy vọng thỏa thuận này, với các nước ký kết ban đầu, sẽ khuyến khích các nước khác như Trung Quốc và Ấn Độ cùng tham gia.

Bên cạnh đó, thỏa thuận COP26 chỉ nhắm đến việc sản xuất điện từ than, mà không bao gồm việc sử dụng loại nhiên liệu này trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

Hội nghị COP26 đã đạt được các thỏa thuận về than, phá rừng và khí thải methane. Nhưng vẫn chưa có một bức tranh rõ ràng nào về việc các sáng kiến tự nguyện này sẽ đóng góp được gì cho việc giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Reuters)
Hội nghị COP26: Các quốc gia Trung Mỹ tìm kiếm sự trợ giúp chung
Hội nghị COP26: Các quốc gia Trung Mỹ tìm kiếm sự trợ giúp chung

Các nước Guatemala, Honduras và Nicaragua - 3 trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất chịu tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu - đã cùng nhau lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ nhiều hơn của cộng đồng quốc tế để ứng phó với các tác động ngày càng khắc nghiệt của khí hậu, vốn đang làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói tại khu vực Trung Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN